Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc trưng
Công tác hỗ trợ sản phẩm đặc trưng thời gian qua được các địa phương quan tâm. Nhiều địa phương đã xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc sản của địa phương để hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, một số thương hiệu mạnh của tỉnh được hình thành, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Hóa, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN), cho biết: Nhận thức của các tổ chức, DN, hộ kinh doanh làng nghề về sở hữu trí tuệ đã có sự chuyển biến, quan tâm hơn đến việc bảo hộ các thành quả lao động sáng tạo do mình tạo ra qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích. Sở KH&CN cũng xây dựng bộ công cụ quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của tỉnh.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý được xem là giải pháp góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc trưng.
- Trong ảnh: Mai vàng Nhơn An (TX An Nhơn), sản phẩm được nhiều khách hàng trong nước ưa chuộng trong dịp tết Nguyên đán.
Theo thống kê của Sở KH&CN, hiện toàn tỉnh có khoảng 100 sản phẩm, nhóm sản phẩm cần được đưa vào danh sách ưu tiên để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Toàn tỉnh đã có 30 văn bằng bảo hộ được cấp, chủ yếu là nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Tuy vậy, đến nay cả tỉnh chưa có sản phẩm nào được xây dựng chỉ dẫn địa lý. Điều này dẫn đến việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chưa cao.
Hiện, Bình Định có nhiều sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống, mang đậm bản sắc địa phương và có tiềm năng phát triển kinh tế cao như: Mai vàng Nhơn An, Nước mắm Đề Gi, Mật ong rừng An Lão, Trà Gò Loi... Đây là những sản phẩm tiềm năng để các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quy mô sản xuất các sản phẩm đặc sản ở địa phương còn nhỏ lẻ, sản xuất chưa theo quy trình, tiêu chuẩn nên gặp nhiều khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. Nhận thức của các cá nhân, tổ chức, DN, hộ kinh doanh làng nghề về sở hữu trí tuệ còn hạn chế.
Trong bối cảnh hội nhập, xây dựng chỉ dẫn địa lý trở thành điều kiện bắt buộc để sản phẩm đặc trưng của Việt Nam hội nhập thành công. Vì vậy, để phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh cần có sự phối hợp tích cực của nhiều cấp, ngành. Trong đó, một số sản phẩm đặc thù cần được hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương hiệu; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối để đưa sản phẩm của tỉnh mở rộng thị trường; đồng thời, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...
HỒNG HÀ