Can thiệp mạnh mẽ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS
Dịch HIV/AIDS đã giảm, nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp. Do vậy, để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, bác sĩ Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế, cho rằng, Bình Ðịnh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, can thiệp mạnh mẽ dự phòng lây nhiễm.
Ông Trung cho biết, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (từ ngày 10.11 - 10.12) có chủ đề: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Nước ta đã có 30 năm ứng phó và kiểm soát tốt, khống chế dịch HIV/AIDS trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; tiến gần đến mục tiêu 90-90-90, tạo cơ hội để kết thúc dịch AIDS.
Tư vấn, xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai.
Ngày 14.8.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS. Tháng hành động năm nay là dấu mốc quan trọng để nhìn lại thành quả, khơi dậy quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện đạt mục tiêu to lớn này.
● Bình Định đang khống chế tỷ lệ nhiễm HIV ở mức thấp, đây có được xem là cơ hội để chúng ta tiến gần hơn đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS không, thưa ông?
- Kể từ khi Bình Định phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1993, chương trình phòng chống AIDS luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm, có nhiều hoạt động đã triển khai để khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Mục tiêu cả nước đến năm 2020 là khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%. Với Bình Định, chúng ta đã luôn khống chế được tỷ lệ nhiễm HIV ở mức thấp, hiện vào khoảng 0,05%.
Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nằm ngoài tình trạng chung cả nước là sự gia tăng của số ca nhiễm trong đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới. Tại Bình Định cũng đã phát hiện nhiều trường hợp nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV. Do đó, thời gian tới, cần có giải pháp can thiệp mạnh mẽ dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng này.
● Cùng với điều ông vừa nói, Bình Định còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào nữa?
- Thời gian qua, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi ở nhiều địa phương chưa được triển khai thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, nhiều đối tượng có hành vi nguy cơ cao chưa tiếp cận thông tin và thiếu kỹ năng dự phòng lây nhiễm HIV.
Mức độ tiếp cận của hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV vẫn còn hạn chế, nhiều đối tượng (người có quan hệ tình dục đồng giới, nhóm dân di biến động) chưa được tiếp cận đúng mức. Xét nghiệm phát hiện HIV trong cộng đồng chưa nhiều; trong khi mục tiêu là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình - đồng nghĩa số lượng mẫu xét nghiệm rất lớn, chỉ riêng các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến hơn 10.000 mẫu/năm.
Nhiều bệnh nhân điều trị HIV/AIDS muộn; tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV phát hiện ở giai đoạn cuối thai kỳ hoặc khi chuyển dạ còn cao (khoảng 50%). Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm khá phổ biến, ảnh hưởng đáng kể đến xét nghiệm phát hiện HIV sớm và tiếp cận dịch vụ điều trị.
Vấn đề quan trọng nữa là kinh phí cấp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ hỗ trợ của tổ chức quốc tế, từ ngân sách giảm, cũng phần nào hạn chế quy mô các hoạt động.
● Giải quyết những khó khăn, thách thức trên, ngành Y tế tỉnh có những giải pháp nào?
- Thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường xét nghiệm HIV trong cộng đồng, đảm bảo mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm; giám sát, rà soát ca bệnh, mở rộng điều trị ARV cho tuyến huyện, phấn đấu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV…
Cùng với đó, ưu tiên cho các giải pháp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử; tăng cường biện pháp điều trị nghiện ma túy trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao. Tăng cường các loại hình xét nghiệm HIV như tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; mở rộng điều trị cho người nhiễm… Các giải pháp đảm bảo nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS.
Theo tôi, không chỉ dừng ở các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, mà còn rất cần thiết có sự tham gia ủng hộ của cộng đồng, hệ thống chính trị.
● Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)