KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ÐỒNG CHÍ LÊ ÐỨC ANH (1.12.1920 - 1.12.2020)
Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Ðức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Ðảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Đồng chí Lê Đức Anh quê quán xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 16 tuổi, đồng chí Lê Đức Anh được giác ngộ và năm 17 tuổi chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, tham gia đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ ở làng quê. Năm 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Chủ tịch nước Lê Đức Anh (thứ hai từ phải sang) và phu nhân (bìa trái) thăm đồng chí Souphanouvong, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào và gia đình, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Công hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 2.11.1993, tại Viêng Chăn. Ảnh tư liệu
Tháng 10.1939, thực dân Pháp tiến hành khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đảng viên huyện Phú Vang bị bắt. Để bảo toàn lực lượng theo chủ trương của tổ chức cộng sản, đồng chí đã bí mật rời quê hương lên Đà Lạt hoạt động và sớm tìm đến với tổ chức cách mạng. Đầu năm 1942, đồng chí rời Đà Lạt xuống đồn điền cao su Lộc Ninh, tiếp tục làm thuê kiếm sống. Tại đây, chứng kiến cuộc sống cơ cực của những phu cao su, đồng chí đã thực hiện tổ chức, củng cố đời sống vật chất, tinh thần và thắp sáng trong họ lòng tự tôn dân tộc. Sau đó, đồng chí đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và tiến hành giác ngộ, vận động, gây dựng và phát triển phong trào của phu cao su. Khi phong trào phát triển nhanh và vững ở đồn điền cao su Lộc Ninh, đồng chí đã gây dựng phong trào phát triển rộng đến các đồn điền lân cận, như: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch. Đồng chí đã trực tiếp giác ngộ hàng trăm phu cao su Lộc Ninh, tuyển chọn và kết nạp được 4 người, thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do đồng chí làm Bí thư Chi bộ. Theo chỉ thị của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Chi bộ Lộc Ninh khẩn trương gây dựng, phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nhân dân vùng Hớn Quản. Ngày 23.8.1945, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp khởi nghĩa thành công, sau đó kéo quân về hợp điểm giành chính quyền ở tỉnh lỵ đêm 24 rạng sáng 25.8.1945.
Trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945, tại Hớn Quản, đội võ trang do đồng chí Lê Đức Anh thành lập và chỉ huy có quân số hơn 100 người với cung nỏ khoác vai, bao tên đeo ngang hông mà nhân dân trong vùng quen gọi là “Đội quân áo nâu”. Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách, đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên cường, để suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược
Ngày 7.12.1986, đồng chí Lê Đức Anh giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến ngày 16.2.1987, đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi nhận chức, đồng chí đã có những đề xuất xác đáng với Bộ Chính trị về giải quyết vấn đề biên giới, và từ vấn đề biên giới để định ra chiến lược và sách lược của công tác đối ngoại.
Đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Cuối tháng 7.1991, với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị, đồng chí sang thăm Trung Quốc để trao đổi những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau chuyến đi này, từ ngày 5 đến 10.11.1991, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt dẫn đầu thăm chính thức Trung Quốc, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Bằng. Đây là mốc đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Đồng chí Lê Đức Anh đặc biệt quan tâm và có tầm nhìn chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngày 7.5.1988, phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân (7.5.1955 - 7.5.1988) được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta””.
Đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Thực hiện giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng trong tình hình nền kinh tế bị khủng hoảng; tiến hành các chính sách cụ thể để cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới...
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (tháng 9.1992), đồng chí Lê Đức Anh được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều công lao, cống hiến to lớn với nhiều dấu ấn nổi bật cả về đối nội và đối ngoại.
QUANG LỢI