Hết lo với nạn ruồi đục quả khổ qua
Trong nhiều năm qua, người trồng khổ qua rất khổ sở với ruồi đục quả gây hại, chích hút quả khổ qua từ khi còn non đến khi trái chín, làm giảm chất lượng, năng suất khổ qua. Quy trình phòng trừ ruồi đục quả khổ qua bằng chế phẩm sinh học Ento-Pro có thể được xem là “phác đồ” phòng trừ hiệu quả đối tượng gây hại này trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo, tham quan mô hình phòng trừ ruồi đục quả cây khổ qua bằng chế phẩm sinh học Ento-Pro tại phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn.
Bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn, cho hay: Trong khuôn khổ dự án Rau an toàn tỉnh Bình Định, nông dân đã dùng chế phẩm sinh học Ento-Pro để phòng trừ ruồi đục quả trên cây khổ qua. Kết quả, ruộng khổ qua sử dụng chế phẩm sinh học Ento-Pro có tỷ lệ bị hại chỉ còn dưới 5%, giảm từ 10 - 20% so với ruộng khổ qua đối chứng (sử dụng các biện pháp hóa học để phòng trừ sâu hại); năng suất tăng trên 1 tạ/sào, chi phí (thuốc bảo vệ thực vật và công lao động) thấp hơn khoảng 250 nghìn đồng/sào và lợi nhuận tăng hơn 1 triệu đồng/sào. Không những mang lại hiệu quả kinh tế hơn mà cách làm này còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, đặc biệt là tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Hoàng Đôn Tự, một nông dân trực tiếp thực hiện mô hình, vui vẻ chia sẻ: “Khi tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ một số vật tư, chúng tôi được tập huấn 2 lần (khi cây khổ qua bắt đầu ra hoa đậu quả và khi cây khổ qua cho thu hoạch rộ). Trước đây, bà con trồng khổ qua chúng tôi thường sử dụng các loại thuốc hóa học có mùi hôi, độc tố cao để xua đuổi ruồi đục quả, nhưng hiệu quả không cao vì sau khi phun mấy ngày, thuốc bốc hơi hết, ruồi liền quay lại. Khi chúng tôi sử dụng chế phẩm sinh học Ento-Pro theo sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, an toàn với người đi phun thuốc mà hiệu quả khá cao. Dung dịch bả mồi chỉ phun lên tán lá, cọc tre quanh ruộng, không phun trực tiếp lên quả và đảm bảo không để lại dư lượng thuốc trên quả nên sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, có bao nhiêu thương lái đến tận ruộng thu mua hết bấy nhiêu”.
ĐINH VĂN TOẠI