Nhiều đột phá từ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Nhiều nội dung mới của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10 được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Thị Thanh Hương, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) được ban hành lần đầu tiên năm 1993, từ đó đến nay đã được sửa đổi, thay thế 3 lần. Luật BVMT (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua được đánh giá có những đổi mới căn bản, đột phá, được dư luận xã hội quan tâm.
● Cụ thể, đâu là những điểm mới nổi bật của Luật BVMT (sửa đổi), thưa bà?
- Thứ nhất, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động BVMT.
Thứ hai, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM), cấp Giấy phép môi trường (GPMT) nếu phát sinh chất thải). Đối với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp GPMT ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Luật cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào chung 1 GPMT và bãi bỏ các giấy phép có liên quan.
Thứ ba, việc thu phí xử lý rác thải được tính theo khối lượng trên quan điểm: Người gây ô nhiễm phải trả tiền; người nào xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền nhằm phân loại rác thải tại nguồn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện nay là thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của các bộ).
Thứ năm, lần đầu chế định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của DN, giúp DN nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.
● Theo bà, những thay đổi từ Luật BVMT (sửa đổi) sẽ có tác động như thế nào đến công tác BVMT trên địa bàn tỉnh?
- Với những thay đổi mang tính đột phá và toàn diện, chắc chắn khi Luật BVMT (sửa đổi) có hiệu lực sẽ tạo ra những chuyển biến lớn trong công tác BVMT trên phạm vi toàn quốc nói chung, Bình Định nói riêng.
Cụ thể, khoản 3 Điều 29 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2021 (sớm hơn thời điểm Luật có hiệu lực 10 tháng) sẽ tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của tỉnh về những quy định chồng chéo giữa Luật BVMT và Luật Đầu tư về thời điểm thực hiện thủ tục ĐTM để thuận lợi khi triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Luật cũng giải quyết được những chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về BVMT và Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, điển hình như quy định về tích hợp nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong GPMT.
Luật BVMT (sửa đổi) có hiệu lực sẽ tạo ra những chuyển biến lớn trong công tác BVMT.
- Trong ảnh: Một điểm khai thác cát trên sông Hà Thanh.
Bên cạnh đó, trong điều kiện biên chế và cơ sở vật chất của ngành TN&MT Bình Định còn hạn chế, sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc giám sát hoạt động BVMT, kịp thời phản ánh khi có ô nhiễm phát sinh tại địa phương sẽ là nguồn thông tin, dữ liệu hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý về môi trường, kịp thời xử lý để không phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, Luật sửa đổi theo hướng phân chia dự án theo nguy cơ tác động xấu đến môi trường để phục vụ cho quá trình xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư và công tác quản lý môi trường các dự án. Cách tiếp cận này góp phần giúp tỉnh thuận lợi trong quá trình phân loại và lựa chọn những dự án đầu tư phù hợp, khuyến khích các dự án sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải; đồng thời, chủ động quản lý chặt chẽ công tác BVMT trong suốt vòng đời dự án.
Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, đất, nước… Qua đó tạo hành lang pháp lý cho tỉnh trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ các kế hoạch, giải pháp quản lý môi trường, góp phần từng bước nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
● Bên cạnh nhiều tác động tích cực, chúng ta cũng sẽ gặp không ít thách thức khi triển khai Luật BVMT (sửa đổi)...
- Đúng vậy. Chẳng hạn, việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại tỉnh, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép và phù hợp với xu hướng chung về phân cấp cho địa phương. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực thẩm định hồ sơ môi trường của các cơ quan chức năng liên quan.
Bên cạnh đó, việc quy định UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký BVMT của các dự án sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ buộc các địa phương phải kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ công chức cấp xã được giao công tác quản lý TN&MT, phần lớn đang phải kiêm nhiệm thêm nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng... Đối với nội dung phải hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại gia đình, chính quyền các cấp phải chuẩn bị sẵn các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải để sẵn sàng tiếp nhận các loại rác sau khi người dân phân loại…
● Xin cảm ơn bà!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)