Những đóng góp to lớn của Ph.Ăng-ghen vào kho tàng lý luận cách mạng
Ph.Ăng-ghen (1820 - 1895) là người bạn, người đồng chí thân thiết của C.Mác, người đã cùng Mác sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ph.Ăng-ghen đã có những cống hiến to lớn về tư tưởng, lý luận và trở thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Một số tác phẩm tiêu biểu
Ph.Ăng-ghen sinh ngày 28 tháng 11 năm 1820, ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ trong một gia đình chủ xưởng dệt. Ông là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà cách mạng, nhà lý luận chính trị, nhà triết học người Đức và là một người Cộng sản thế kỷ 19.
Những đóng góp to lớn, tiêu biểu của Ph.Ăng-ghen có thể kể đến như: ông cùng với C. Mác đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa Cộng sản, lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế Cộng sản 1. Ông cùng với C. Mác là đồng tác giả của bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Ăng-ghen còn có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện kết cấu tập I bộ Tư bản. Sau khi nhận được một số trang in phần mở đầu do Mác gửi đến và tha thiết đề nghị góp ý tỉ mỉ, Ăng-ghen đã đọc cẩn thận và đóng góp những ý kiến quan trọng về cách trình bày cũng như kết cấu tác phẩm. Về lý luận các hình thái giá trị, ngoài hình thức trình bày cần “chứng minh một cách tỉ mỉ hơn một chút nữa, về mặt lịch sử những gì đã đạt được ở đây bằng phương pháp biện chứng”. Về kết cấu, có thể phân chia đề mục nhỏ hơn và mỗi đề mục nhỏ nên có đầu đề riêng để nhấn mạnh từng bước chuyển quá độ một cách biện chứng”. Ăng-ghen cho rằng việc sắp xếp “cấu trúc bên ngoài”. Chương IV “Giá trị thặng dư tương đối” là không thích hợp, “mạch tư duy luôn luôn bị gián đoạn bởi những chỗ minh hoạ...”. Cách kết cấu do Ăng-ghen đề xuất được Mác nhanh chóng tiếp thu. Phụ lục “Hình thái của giá trị”, Mác đã viết bổ sung cho sự trình bày còn chưa đầy đủ về hình thái giá trị ở lần xuất bản thứ I là một bước hoàn thiện tác phẩm khi xuất bản lần thứ II.
Ph. Angghen ( Friedrich Engels, 1820 - 1895 )
Ngoài những công trình chung với C. Mác, ông còn viết những tác phẩm khoa học có giá trị lý luận, đặc biệt là cuốn Chống Đuyrinh (1878) góp phần to lớn cho việc hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa Mác. Sau khi C. Mác qua đời (1883), Ăng-ghen là người lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, hoàn thiện bản thảo cho in tập II và III của bộ Tư bản mà Mác chưa kịp hoàn thành. Ăng-ghen viết nhiều tác phẩm nổi tiếng vào những năm cuối đời: Nguồn gốc gia đình, sở hữu tư nhân và nhà nước (1884), Luidvich Phoiơbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức (1866); Biện chứng tự nhiên; Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức (1894). Những tác phẩm này của Ăng-ghen, ngoài ý nghĩa tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản khoa học, còn có ý nghĩa về mặt giá trị lý luận và thực tiễn cao, đồng thời làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác.
Những giá trị to lớn về tư tưởng của Ph.Ăng-ghen
Thứ nhất, Ph.Ăng-ghen đã cùng với C.Mác xây dựng, tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng.
Thứ hai, ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác (triết học, kinh tế học chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học) đều in đậm dấu ấn công lao, tư tưởng của Ph.Ăng-ghen.
Thứ ba, cùng với C.Mác, Ph.Ăng-ghen luôn luôn gắn lý luận và thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân vừa với tư cách nhà bác học, vừa với tư cách người thầy của giai cấp công nhân thế giới.
Thứ tư, Ph.Ăng-ghen luôn luôn bảo vệ, phát triển bổ sung chủ nghĩa Mác, làm cho chủ nghĩa Mác luôn luôn có giá trị khoa học và cách mạng.
Thứ năm, những quan điểm có giá trị đặc biệt to lớn của Ph.Ăng-ghen trong khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa xã hội khoa học, đòi hỏi phải vận dụng, phát triển sáng tạo thường xuyên để xây dựng thành công CNXH trong điều kiện cụ thể của từng quốc gia, dân tộc.
Thứ sáu, Ph.Ăng-ghen luôn luôn đề cao việc nắm bắt thực tiễn, tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận.
Những đánh giá về Ph.Ăng-ghen
Sinh thời, Ph.Ăng-ghen rất khiêm tốn, luôn tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác”, nhưng những cống hiến to lớn về tư tưởng của Ph.Ăng-ghen đã được C.Mác ghi nhận là một khối óc sắc sảo, một pho bách khoa toàn thư. V.I.Lê-nin khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Ph.Ăng-ghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ph. Ăng-ghen” (V.I.Lê-nin toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1980, tập 26, tr.110). Hàng loạt tác phẩm viết riêng và viết chung với C.Mác đã thể hiện tư tưởng của Ph.Ăng-ghen có giá trị bền vững với nhiều luận điểm khẳng định thế giới quan, phương pháp luận mác-xít giúp giai cấp công nhân, các đảng cộng sản, đảng công nhân có được nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Ý nghĩa thời đại từ những tư tưởng của Ph.Ăng-ghen luôn mang tính thời sự đòi hỏi những người cộng sản phải vận dụng sáng tạo, đồng thời bổ sung phát triển những tư tưởng đó trước yêu cầu, điều kiện mới.
Ph.Ăng-ghen sinh ra cách đây 200 năm và ông đã mất tròn 125 năm về trước. Tuy nhiên, những tư tưởng, di sản lý luận của ông vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự đối với thời đại ngày nay. Học thuyết Mác - Ăngghen vẫn luôn là ngọn cờ chỉ đường cho công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo.
Phan Thanh Nhất - Trần Hoài Sơn (Trường Chính trị tỉnh Bình Định)