Bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh: Nhìn lại và hướng tới
Trong năm nay, dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều xáo trộn, Sở VH&TT và các đơn vị trực thuộc vẫn làm được nhiều việc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Thế nhưng vẫn còn không ít vấn đề quan trọng cần tiếp tục giải quyết.
Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020, diễn ra tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Nhiều dự án được đầu tư bài bản
Các hạng mục trong dự án nâng cấp, mở rộng Bảo tàng Quang Trung tiếp tục được triển khai. Sở VH&TT đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đề cương và phương án bài trí nội thất Đền thờ Tây Sơn tam kiệt. Nổi bật trong năm nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh (Quy Nhơn), hệ thống chiếu sáng mỹ thuật tháp Bánh Ít (Tuy Phước), Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Phù Cát) đi vào hoạt động từ 1 - 2 tháng qua, với tổng mức đầu tư cho 3 công trình mới này gần 43 tỷ đồng từ nguồn của tỉnh và tài trợ của DN (gần 17 tỷ đồng). Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020, qua đó các diễn viên trẻ của Bình Định đoạt 2 HCV, 6 HCB.
Bảo tàng tỉnh đã xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng 3 di tích cấp tỉnh: Chiến thắng Đồng Ấu (Tây Sơn), Vạn Trung Nam (Hoài Nhơn), Dốc Cát (Hoài Nhơn); xây dựng bảng dẫn đường vào các di tích lịch sử Đền thờ Đào Duy Từ, Mộ Cống Quận công Trần Đức Hòa, bãi biển Lộ Diêu - Nơi cập bến Tàu không số chi viện vũ khí vào khu V (Hoài Nhơn); bảng chỉ đường, giới thiệu di tích Chi bộ Vạn Đức (Hoài Ân), Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu (Tuy Phước), hoàn chỉnh sửa chữa hàng rào khu di tích tháp Đôi (Quy Nhơn). Tham mưu xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với phù điêu nữ thần Sarasvati trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ngoài ra, đang phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ phế tích tháp Châu Thành (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn).
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Chúng tôi tham mưu Sở VH&TT phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án xã hội hóa hoạt động khai thác một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, đã trình UBND tỉnh xem xét. Đề án nhằm thí điểm có hình thức xã hội hóa phù hợp góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ở các di tích tiêu biểu như Thành Hoàng Đế và các tháp Đôi, Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên…”.
Phát huy giá trị các di sản
Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: “Trong nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Sở VH&TT sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, trình Chính phủ cho phép xây dựng lộ trình thành lập hồ sơ khoa học võ cổ truyền Bình Định đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bước đầu, chúng tôi đã làm việc và được Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao rất đồng tình. Đồng thời Sở chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả hơn Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030…”.
Đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát bội Bình Định, vấn đề rất quan trọng là hoạt động của các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh, đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ông Ngô Ngọc Trí, Trưởng đoàn tuồng Sao Mai (thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh), bộc bạch: “Các đoàn tuồng không chuyên không biết còn trụ được bao lâu khi thiếu lực lượng diễn viên trẻ kế cận, khán giả ngày càng giảm dần, lại thêm khó từ việc cho thành lập nhiều đoàn nhưng quản lý chưa tốt, dẫn đến không đảm bảo chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh để giành giật điểm diễn…”.
Bài chòi dân gian Bình Định góp phần quan trọng để “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam” được công nhận UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ cuối năm 2017, sau đó công tác bảo tồn và phát huy chủ yếu là tổ chức hội đánh bài chòi dân gian, thành lập thêm CLB bài chòi ở các địa phương trong tỉnh, đến năm nay Sở VH&TT đã xây dựng Quy định hỗ trợ tổ chức hoạt động của CLB bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, vẫn còn rời rạc và ít hoạt động kết nối chung trong tỉnh, hiệu quả bảo tồn di sản mới phần nào thể hiện ở việc lan tỏa rộng chứ chưa đi vào chiều sâu. Chẳng hạn, đối với các CLB bài chòi dân gian, nghệ nhân Lý Thành Long (Hoài Nhơn) nhìn nhận: “Vấn đề quan trọng không phải là ở số lượng, mà ở khả năng hoạt động thật sự của các CLB bài chòi dân gian…”.
HOÀI THU