Vân Canh chủ động bảo vệ đàn gia súc
Huyện Vân Canh đã và đang triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh và đói rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông năm 2020 đạt hiệu quả.
Nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Vân Canh đã chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò phòng những khi trời mưa không chăn thả được.
Đánh giá mùa đông năm nay thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, huyện Vân Canh đã chủ động sớm triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đàn gia súc như: Vận động nhân dân đưa gia súc thả trên núi về nuôi nhốt tại chuồng, trại gần nhà để tiện việc chăm sóc, tiêm phòng các loại vắc xin đợt 2 năm 2020; đặc biệt chú ý đối với gia súc sinh sản, gia súc, gia cầm non vào những ngày trời lạnh.
Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Từ nhiều tuần trước, Trung tâm đã tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào thu gom, dự trữ phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho gia súc; ủ chua thân cây bắp, dây đậu đỗ để làm thức ăn cho gia súc. Kiểm tra, gia cố nền chuồng, mái che, quây chuồng nhằm đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo, tránh gió lùa mưa hắt, dự phòng bạt, phên tre, nứa và những vật liệu có sẵn để khi trời lạnh dùng quây chuồng trại tăng độ ấm cho gia súc, gia cầm. Nơi nào có điện thì có thể sử dụng bóng điện tròn để thắp sưởi ấm hoặc dùng mùn cưa, vỏ trấu, củi gộc để đốt sưởi ấm cho gia súc, gia cầm khi nhiệt độ xuống thấp.
Làng Kà Xim, xã Canh Thuận có đàn bò hơn 400 con, đàn dê gần 100 con và đàn gia cầm hơn 1.000 con, đây là nơi nghề chăn nuôi khá phát triển. Vì vậy ban quản lý làng rất chịu khó động viên bà con thực hiện các biện pháp bảo vệ gia súc, gia cầm. Anh Chăm So Linh, trưởng làng Kà Xim, cho biết: Rút kinh nghiệm những năm trước; năm nay, công tác phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm trong mùa đông được bà con trong làng chủ động thực hiện ngay từ đầu mùa mưa, để giảm thiệt hại về kinh tế.
Sau lũ lụt, nhiều loại chất thải rắn còn tồn ứ trong môi trường, cộng với khí hậu ẩm ướt, thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát sinh; nguy cơ bùng phát dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm là rất cao. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật đã và đang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chú trọng, tổ chức thực hiện, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Trung tâm hướng dẫn cho các địa phương tiêu độc, khử trùng môi trường với phương châm nước rút đến đâu, tiêu độc đến đó, trước hết tập trung ở những nơi ô nhiễm cao, những điểm xung yếu về dịch bệnh như: Dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… Trong tháng 11, Trung tâm tổ chức 1 tuần 2 lần tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh. Cùng với việc làm sạch môi trường, Trung tâm còn tổ chức tiêm phòng đợt 2 năm 2020 cho đàn vật nuôi theo kế hoạch của tỉnh, huyện và vận động người chăn nuôi tự tiêm phòng các loại vắc xin mà nhà nước không hỗ trợ. Đối với gia súc tiêm theo đợt, phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng; đối với gia cầm tiêm khép kín, phòng chống cúm gia cầm.
Ở xã Canh Hòa đa số người chăn nuôi là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm trước, tập quán chăn thả rông gia súc, thức ăn gia súc dựa hẳn vào đồng cỏ tự nhiên, không có chuồng trại cho gia súc; đã vậy đồng bào gần như không quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh và đói rét cho gia súc khi mùa đông đến. Mưa dầm thấm sâu, sau nhiều năm tuyên truyền vận động, hướng dẫn chi tiết, cầm tay chỉ việc cách phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, nay không những đã thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông trâu, bò trên núi mà đồng bào còn biết trồng cỏ cao sản, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, làm chuồng nhốt để tiện việc chăm sóc. Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Phó chủ tịch UBND xã Canh Hòa, cho biết: Nhờ thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên việc triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh và đói rét cho đàn gia súc, gia cầm ở xã được thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều so trước kia; đàn gia súc, gia cầm cũng được bảo vệ đáng kể.
Huyện Vân Canh hiện có đàn gia súc, gia cầm gần 88.000 con, trong đó có gần 16.000 con bò, gần 3.000 con dê, 10.000 con heo và hơn 59.000 con gia cầm. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đói rét cho gia súc đến hộ chăn nuôi; mặt khác người chăn nuôi đã ý thức được giá trị của vật nuôi, nên hầu hết các hộ chăn nuôi ở Vân Canh đã chủ động bảo vệ gia súc của mình trong mùa đông năm nay. Dù vậy để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất đối với đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông năm nay, huyện Vân Canh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát việc chủ động bảo vệ đàn gia súc ở xã, thị trấn, hỗ trợ ngay khi đồng bào cần giúp đỡ.
HẠNH PHÚC