Tìm giải pháp khả thi thúc đẩy phát triển KT-XH
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 13 HÐND tỉnh khóa XII, chiều 1.12, Tổ đại biểu HÐND tỉnh đơn vị TP Quy Nhơn đã tổ chức thảo luận để làm rõ nội dung các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp sắp đến. Ðồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh đến dự.
Tại buổi thảo luận tổ, đa số đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh đơn vị TP Quy Nhơn đồng tình với nội dung các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp. Các ĐB đánh giá, năm 2020, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, hạn hán kéo dài và bão lũ liên tiếp xảy ra vào các tháng cuối năm, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực KT-XH.
Kinh tế tăng trưởng dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
Theo đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng trưởng ở mức 3,61%, tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (từ 7 - 7,2%), nhưng Bình Định vẫn là một trong số ít tỉnh có tăng trưởng cao trong khu vực.
Một số lĩnh vực khác đạt kết quả tích cực như thu ngân sách cả năm ước đạt 12.187 tỷ đồng, vượt 23,6% dự toán năm; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai hiệu quả, không để xảy ra các trường hợp nhiễm bệnh trên địa bàn; đời sống nhân dân trong tỉnh được cải thiện.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ.
ĐB Nguyễn Văn Dũng đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong năm qua. Ông nói: “Trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, bão lũ nhưng tỉnh ta tăng trưởng GRDP ở mức 3,6% là con số rất ấn tượng. Trong 19 chỉ tiêu phát triển KT-XH có đến 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch là một sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở”.
Bàn về chỉ tiêu tăng trưởng GRDP trong năm 2021 mà UBND tỉnh đề ra ở mức từ 7 - 7,2%, ĐB Nguyễn Văn Dũng tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tuy được khống chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các đợt bão lũ trong các tháng cuối năm cũng đã gây thiệt hại đáng kể đến cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp nên cần nguồn lực và thời gian để khắc phục. Do vậy, tôi đề nghị tỉnh xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng GRDP trong năm tới liệu có khả thi”.
ĐB Đỗ Ngọc Mỹ nêu ý kiến về vấn đề thu hút đầu tư, đào tạo lao động lành nghề. Ảnh: N.HÂN
Còn ĐB Đỗ Ngọc Mỹ thì nêu ý kiến: “Để đẩy mạnh phát triển kinh tế thì “mũi nhọn” công nghiệp phải được quan tâm hàng đầu. Muốn vậy, rất cần có sự đột phá trong đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, đào tạo lao động lành nghề… Tuy nhiên, vấn đề này lâu nay vẫn còn một số điểm nghẽn cần tháo gỡ. Trong các báo cáo trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, chưa thấy các cơ quan chức năng đề cập hướng giải quyết cụ thể. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng và lãnh đạo UBND tỉnh có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp, mở ra giai đoạn phát triển mới cho tỉnh”.
Cử tri quan tâm đến trật tự trị an, quy hoạch, xây dựng đô thị
Liên quan đến vấn đề ANTT trên địa bàn tỉnh, ĐB Trần Ánh Tuyết nêu ý kiến: “Qua tiếp xúc với cử tri TP Quy Nhơn, nhiều bà con lo lắng vì tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê... Mặc dù ngành CA đã có nhiều nỗ lực trong tấn công trấn áp tội phạm nhưng vẫn chưa xử lý triệt để các vấn nạn này, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Tôi đề nghị lãnh đạo CA tỉnh phải có biện pháp quyết liệt hơn trong đấu tranh phòng chống tội phạm”.
ĐB Trần Ánh Tuyết quan tâm đến tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Ảnh: N.HÂN
ĐB Trần Ánh Tuyết cũng đề nghị tỉnh xem xét phân luồng giao thông hợp lý tại nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư. “Vào lúc cao điểm buổi sáng và buổi chiều, tại nút giao thông này thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Đề nghị đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời để tránh xảy ra các vụ TNGT đáng tiếc”, ĐB Tuyết nói.
Ngoài ra, các ĐB cũng nêu ý kiến, kiến nghị liên quan đến những vấn đề đáng quan tâm khác như chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân tại các dự án đầu tư phải đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Đề nghị đẩy nhanh việc di dời cụm công nghiệp Quang Trung và cụm công nghiệp Nhơn Bình ra khỏi nội thành Quy Nhơn. Cần có giải pháp khả thi đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn TP Quy Nhơn, như: Khu Đô thị, dịch vụ, thể thao hồ Phú Hòa; đường Ngô Mây nối dài; khu đô thị Nam Hùng Vương. Có giải pháp khả thi trong việc tiêu thoát lũ cho TP Quy Nhơn. Chống quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh và nâng cao năng lực khám, điều trị bệnh của các bệnh viện tuyến huyện...
Các ĐB còn đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến nội dung các tờ trình về: Sửa đổi, bổ sung bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm; chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác; quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố...
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ ĐB HĐND tỉnh đơn vị TP Quy Nhơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đã đánh giá cao sự thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm của các vị ĐB. Các ý kiến góp ý của các ĐB sẽ được tổng hợp đầy đủ để chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
NGUYỄN HÂN