Ra khơi mùa biển động
Mùa biển động, khi phần lớn các tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng lộng nghỉ biển thì đây lại là lúc ngư dân làm nghề lưới rê đánh bắt cá, mực, ghẹ ven bờ vào mùa. Mùa này giá hải sản tăng nên bà con có thu nhập tương đối khá.
Mùa biển động thường kéo dài từ cuối tháng 9 đến đầu tháng Chạp âm lịch. Mùa này ngư dân ở các làng biển, như: Hải Cảng, Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), Cát Khánh (huyện Phù Cát)… làm nghề lưới rê cước, lưới rê ny lông tăng cường đánh bắt thủy sản vùng ven bờ.
Tàu cá của ngư dân Trần Thanh Tôn, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát làm nghề lưới rê ny lông chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.NHUẬN
Ra khơi mùa biển động vất vả hơn ngày thường, nhưng sản lượng khai thác khá, ngư dân có thu nhập cao bởi các loại thủy sản, như: Cá hố, cá sòng, cá ngân, mực, ghẹ… được giá. Anh Nguyễn Thành Luân, ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng, làm nghề lưới rê cước chuyên khai thác ghẹ, bộc bạch: “Tôi có thuyền máy công suất nhỏ đánh lưới ghẹ chủ yếu ở vùng biển Hải Giang, xã Nhơn Hải; ra khơi thả lưới từ chiều ngày hôm trước đến sáng hôm sau thu lưới vào bờ, lai rai mỗi ngày thu nhập cũng được vài trăm nghìn đồng, có hôm trúng đậm thì được tới 2 - 3 triệu đồng”.
Đang chuẩn bị ra khơi tại bến cá Nhơn Lý, ngư dân Võ Ngọc Tiến, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, vui vẻ: “Ngày thường tôi làm nghề lưới ba màng đánh bắt các loại cá, mực; còn mùa này thì làm lưới ba chuyên đánh cá hố ở vùng biển ven bờ Nhơn Lý, bình quân mỗi ngày kiếm được 500 - 600 nghìn đồng, có hôm được vài triệu đồng”.
Ngồi kế bên vá lại giàn lưới một của mình, ngư dân Nguyễn Văn Toán, cũng ở thôn Lý Chánh, góp chuyện: “Từ sau bão số 9 đến giờ biển động liên tục, tôi cũng như nhiều bà con làm nghề lưới bằng thúng chai nhờ vậy có thu nhập đều đều. Tôi làm lưới một đánh theo kiểu bủa tròn như mành đèn, ít vốn nhưng đủ sống”.
Nhận thấy việc khai thác tôm hùm giống không ổn định, 10 năm trước, ngư dân Trần Văn Hởi, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải đã chuyển sang làm nghề lưới rê cước. Anh Hởi kể: “Để đạt hiệu quả kinh tế cao mình phải biết cách thiết kế giàn lưới sao cho phù hợp; phải đoán được hướng gió, con nước chảy như thế nào để thả lưới. Mấy năm nay, cứ mỗi mùa lưới, tôi thu cũng được vài chục đến cả trăm triệu đồng”.
Vừa cho tàu cập cảng cá Đề Gi để đưa giàn lưới rê ny lông xuống tàu chuẩn bị đi biển, ngư dân Trần Thanh Tôn, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, cho hay: “Đặc thù của nghề lưới rê hoạt động quanh năm, nếu biển êm thuận tàu tôi đi mỗi chuyến biển 5 - 7 ngày, còn mùa biển động thì đi 1 - 2 ngày là về bờ. Tàu tôi cũng trang bị máy tời kéo lưới, mỗi chuyến biển có 7 - 8 người làm, lưới dài hơn nhưng đỡ bớt sức lao động nhờ có máy tời. Mỗi chuyến biển, anh em cũng kiếm được 3 - 4 triệu đồng/người, có khi trúng đậm thì mỗi người kiếm gần chục triệu đồng”.
Chia sẻ niềm vui với bà con ngư dân, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: “Mùa biển động, do sự xáo động dòng nước đáy nên cá, mực, tôm hùm giống di chuyển lên tầng nước nổi và tầng giữa, vì vậy mùa này ngư dân làm nghề lưới rê khai thác thủy sản ven bờ đạt sản lượng cao. Dù vậy, chúng tôi cũng liên tục khuyến cáo ngư dân ra khơi trong mùa biển động nên theo dõi cập nhật dự báo thời tiết biển thường xuyên để chủ động trong đánh bắt, khi hoạt động trên biển phải mặc áo phao để đảm bảo an toàn”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN