NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI KHUYẾT TẬT 3.12
Tạo nhiều cơ hội cho người khuyết tật hòa nhập
Công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống, hạnh phúc người khuyết tật luôn được tỉnh ta quan tâm thực hiện hiệu quả, giúp người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của bản thân, vươn lên tự lực trong cuộc sống, hòa nhập tốt với xã hội.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh vận động nhà hảo tâm TP Hồ Chí Minh tặng xe lắc cho NKT làm phương tiện mưu sinh.
Nhiều chính sách ưu đãi cho người khuyết tật
Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật (NKT), UBND tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện KT-XH nhằm giải quyết tốt nhất chính sách bảo trợ xã hội cho NKT trong tỉnh, đảm bảo quyền lợi được nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, học chữ, học nghề, cơ hội việc làm tạo thu nhập, mưu cầu hạnh phúc cho NKT… Tại các huyện, thị xã, thành phố, theo từng năm, số lượng NKT tiếp cận với các chế độ, chính sách ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 44.000 NKT được hưởng trợ cấp hằng tháng và được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đáng chú ý trong những năm qua là việc tỉnh đã triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ NKT giai đoạn 2012 - 2020, giúp mang lại nhiều lợi ích cho NKT. Theo đó, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về NKT. Nhờ đó, giúp nâng cao và thay đổi nhận thức của xã hội về NKT. Các hoạt động trợ giúp NKT thu hút sự quan tâm và trách nhiệm từ các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư, đặc biệt với số người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều rào cản xã hội từng bước được tháo gỡ, giúp NKT phát triển bản thân và tự tin hòa nhập vào xã hội.
Cùng với việc tăng cường chăm sóc sức khỏe NKT trưởng thành, công tác phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho trẻ em khuyết tật đã được chú trọng hơn. Hoạt động trợ giúp tiếp cận giáo dục đã đạt nhiều kết quả; toàn tỉnh có khoảng 1.012 trẻ em khuyết tật được đi học tại các cơ sở giáo dục. Ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn cho biết, bên cạnh số học sinh khiếm thính và khó khăn về học tập, nhà trường đã nỗ lực mở lớp cho trẻ khiếm thị, nhằm tạo điều kiện cho mọi học sinh khuyết tật được đến trường.
Hằng năm ngân sách tỉnh chi khoảng 200 triệu đồng hỗ trợ ưu đãi, trợ cấp xã hội cho học sinh là NKT học nghề. Từ năm 2015 đến nay, khoảng 281 NKT trong tỉnh được hỗ trợ đào tạo nghề từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hằng năm, UBND tỉnh đã trích ngân sách 500 triệu đồng hỗ trợ Ban quản lý Quỹ việc làm cho NKT của tỉnh để hỗ trợ vốn và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho NKT, nhóm lao động là NKT. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH, từ năm 2015 đến nay, đã thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm cho 192 NKT. Bình quân 1 người được vay 21,1 triệu đồng.
Cộng đồng cùng chung tay quan tâm người khuyết tật
Cùng với chính quyền, nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã cùng chung tay, lan tỏa phong trào hỗ trợ đời sống, sinh kế cho NKT trong tỉnh. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sau đó là bão lũ, đời sống của khá nhiều NKT lâm vào khó khăn, các tổ chức đã vận động nhiều nguồn lực, kịp thời hỗ trợ hội viên vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống. Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã vận động hơn 5 tỷ đồng, tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 4.591 NKT và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; ngoài ra còn hỗ trợ sinh kế (tặng bò, cho vay vốn), xây nhà tình thương, cấp xe lăn, xe lắc, xe đạp cho nhiều người NKT và trẻ khó khăn. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động, quyên góp được số tiền và hiện vật quy ra tiền là 572,2 triệu đồng, tổ chức thăm hỏi và tặng 2.456 suất quà, mỗi suất trị giá từ 100 nghìn đồng đến 5 triệu đồng cho nạn nhân và các đối tượng nghi nhiễm.
Hội Người mù tỉnh cũng đã vận động các tổ chức, nhà hảo tâm được hơn 1,5 tỷ đồng, tặng quà cho khoảng 4.500 hội viên và hỗ trợ hội viên học nghề, tìm kiếm việc làm... Như thường lệ, dịp 3.12, Hội Người mù tổ chức cấp phát quà cho hội viên. Riêng năm nay, Hội còn tổ chức tổng kết lớp hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh. Mê mải bấm chiếc điện thoại trên tay, bà Văn Thị Sang (huyện Tây Sơn) khoe giờ bà không còn phụ thuộc nhiều vào người khác nữa. “Sự quan tâm của các cấp chính quyền, các hội NKT, nhà hảo tâm đã giúp những người khiếm khuyết như chúng tôi ngày thêm tự tin hòa nhập vào cuộc sống, khẳng định khả năng bản thân”, bà Sang chia sẻ.
NGỌC TÚ