KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP ÐẢNG BỘ HUYỆN AN LÃO (3.12.1950 - 3.12.2020)
Phát huy truyền thống, vững bước đi lên
Qua 70 năm thành lập, chiến đấu và trưởng thành, Ðảng bộ huyện An Lão đã khẳng định vai trò là hạt nhân lãnh đạo trong từng chặng đường phát triển của huyện.
Phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng là một trong những bài học kinh nghiệm quý của Đảng bộ huyện An Lão.
- Trong ảnh: Tặng hoa cho các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Lão khóa XVIII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX.
Từng bước lớn mạnh
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo thống nhất của tổ chức đảng, ngày 3.12.1950, Đảng bộ huyện An Lão chính thức được thành lập. Sau đó, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy An Lão triệu tập Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất tại làng Đất Dài, xã An Dân (nay là thị trấn An Lão). Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá phong trào cách mạng toàn huyện trong thời gian qua, đề ra chủ trương: Đẩy mạnh phát triển, củng cố tổ chức Đảng, xây dựng bộ đội huyện và dân quân xã vững mạnh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế tự cấp, tự túc, phát triển phong trào thi đua ái quốc, thực hiện đời sống mới... Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Lão khóa I gồm 11 đồng chí.
“Với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Ðảng bộ và sự quyết tâm nhất trí đồng lòng của toàn dân, tuổi trẻ An Lão hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, nguyện không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác. Ðồng thời, đoàn kết, quyết tâm xây dựng Ðảng bộ vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng quê hương An Lão anh hùng ngày càng giàu đẹp bằng những việc làm cụ thể với tinh thần xung kích, tình nguyện”.
Bí thư Xã đoàn An Dũng ĐINH VĂN SINH
Ông Thái Trường Xuân (70 năm tuổi Đảng, hiện ở xã An Hòa) nhớ lại: Cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ở An Lão, phong trào cách mạng bị kẻ thù đàn áp rất dã man; nhiều đảng viên bị địch bắt bớ, tra tấn, tù đày và anh dũng hy sinh. “Tuy nhiên, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước, lớp đảng viên trung kiên chúng tôi vẫn luôn một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; đi làm cách mạng để giành độc lập, tự do cho đất nước và giải phóng quê hương”, ông Xuân xúc động chia sẻ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, An Lão gặp không ít khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, cùng giao thông cách trở, đồng bào các dân tộc thiểu số sống du canh, du cư; cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu. “Nạn đói cơm, lạt muối thường xuyên đe dọa, phương thức canh tác lạc hậu, năng suất lao động thấp, hàng nghìn hécta ruộng đất hoang hóa... Nhưng Đảng bộ đã phát huy truyền thống cách mạng, vận động nhân dân vượt qua mọi khó khăn”, ông Đinh Xuân Hùng - Bí thư Huyện ủy An Lão giai đoạn 1992 - 2004, khẳng định.
Từ khởi đầu với 3 đảng viên, sau ngày giải phóng 1975, Đảng bộ huyện An Lão có 289 đảng viên; trải qua 19 kỳ đại hội, đến nay Đảng bộ huyện đã có 2.460 đảng viên. Trong 70 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ huyện vẫn thể hiện được phẩm chất tiên phong cách mạng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, kiên cường trước mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Đảng bộ huyện An Lão đã vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương để chỉ đạo phát triển KT-XH hiệu quả.
- Trong ảnh: Mô hình trồng bưởi da xanh ở xã An Hòa.
Đoàn kết là sức mạnh
Qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện An Lão đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Đặc biệt, đã vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, đề ra những nhiệm vụ, biện pháp và cách làm thích hợp, sát đúng… để lãnh đạo các phong trào cách mạng của huyện đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Bên cạnh đó, theo Bí thư Huyện ủy An Lão Phạm Văn Nam, đáng chú ý là bài học về phát huy truyền thống đoàn kết, sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc Kinh, H’re, Bana là nguồn sức mạnh to lớn đưa phong trào cách mạng An Lão vượt qua muôn vàn khó khăn, giành thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng chính là sức mạnh của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn kết trong Đảng, trong lao động sản xuất, xây dựng hậu phương, đoàn kết trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, đoàn kết trong chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược; đoàn kết trong thời kỳ đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thành quả của 70 năm qua là “bệ phóng” vững chắc để Đảng bộ huyện An Lão vững bước trong thời gian đến. Ông Phạm Văn Nam nhấn mạnh, quan trọng nhất là xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh. Trong đó, công tác xây dựng Đảng phải chú trọng đồng bộ cả về tư tưởng chính trị, tổ chức và kiểm tra, giám sát. Trọng tâm là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, quan tâm cán bộ nữ, trẻ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số.
Trong công tác xây dựng chính quyền, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền từ huyện đến xã. Đồng thời, làm tốt công tác dân vận chính quyền, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Đối với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, yêu cầu quan trọng là bám sát cơ sở, lấy cơ sở là môi trường hoạt động chính, hạn chế tình trạng hành chính hóa các hoạt động. Cùng với đó là phát huy vai trò trong phản biện, giám sát đối với các công trình, dự án có tác động lớn trên địa bàn huyện.
NGUYỄN VĂN TRANG