THẢO LUẬN TẠI CÁC TỔ HÐND TỈNH TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 13, HÐND TỈNH KHÓA XII:
Ðề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 13, HÐND tỉnh khóa XII, ngày 2.12, các Tổ đại biểu HÐND tỉnh đơn vị Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, Hoài Ân - An Lão và Phù Mỹ đã tổ chức thảo luận, làm rõ nội dung các báo cáo, tờ trình trình kỳ họp sắp đến.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ ĐB HĐND Tây Sơn - Vĩnh Thạnh.
Cần quan tâm bảo vệ môi trường
Thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Đinh Yang King (đơn vị Vĩnh Thạnh) nêu ý kiến về vấn nạn sử dụng túi ny lông và thải bỏ bừa bãi ra môi trường tại các vùng nông thôn gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. “Trước đây, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay các vùng nông thôn, người dân thường sử dụng gùi, giỏ xách làm bằng tre, nứa để đi chợ mua thực phẩm. Thế nhưng, bây giờ đi đến đâu cũng thấy sử dụng túi ny lông mua, bán hàng, sau đó nhiều người lại vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tôi đề nghị tỉnh nên có chế tài xử lý mạnh vấn đề này, góp phần bảo vệ môi trường bền vững”, ĐB Đinh Yang King nói.
Cũng liên quan đến bảo vệ môi trường, ĐB Đinh Drin (đơn vị Vĩnh Thạnh) nêu ý kiến: Tình trạng sử dụng thuốc khai hoang để diệt cỏ tại các vùng nông thôn, miền núi đang diễn ra phổ biến. Ngay tại huyện Vĩnh Thạnh, trong các đợt bão lũ vừa qua, nguyên nhân gây sạt lở, bồi lấp đường sá, kênh mương một phần là do việc sử dụng thuốc khai hoang để diệt cỏ làm cho nhiều vùng bị trọc hóa, mất khả năng phòng hộ, cản nước. Tôi đề nghị cần có biện pháp chế tài để xử lý vấn đề này.
Về vấn đề hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp cho người dân, ĐB Đinh Drin đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số gieo sạ trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021. “Thời gian qua, UBND tỉnh hỗ trợ giống lúa lai cho các huyện miền núi sản xuất mang lại hiệu quả rất cao, góp phần ổn định an ninh lương thực, tạo cuộc sống ổn định cho người dân. Tuy nhiên, từ vụ Đông Xuân sắp tới, theo thông báo thì tỉnh không tiếp tục hỗ trợ giống lúa lai nên bà con nhân dân rất lo lắng. Hiện nay, giá giống lúa lai lại quá cao, trong khi đời sống của đa số bà con còn gặp khó khăn. Tôi đề nghị tỉnh nên quan tâm đến vấn đề này”.
Sau thảo luận tổ, các ĐB HĐND tỉnh đơn vị Hoài Ân - An Lão đã đi thăm khu tái định cư xã An Dũng.
Chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách phải đảm bảo công bằng, hợp lý
Nhấn mạnh về vai trò của lực lượng không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn, khu phố trong vận hành các hoạt động, phát huy các phong trào thi đua yêu nước, các ĐB vui mừng trước nội dung nâng hệ số phụ cấp hàng tháng cho lực lượng này tại Tờ trình 91/TTr-UBND ngày 25.11.2020 về việc đề nghị ban hành Quy định số lượng, chức danh, chế độ người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp thôn, khu phố. Tuy nhiên, các ĐB cũng băn khoăn trước một số nội dung chưa phù hợp.
ĐB Hoàng Phi Long (đơn vị Hoài Ân) góp ý: “Trước đây, xã có từ 500 ha rừng sẽ có một chức danh lâm nghiệp. Đến tờ trình này, thì không còn chức danh này mà chỉ có chức danh nông - lâm - ngư nghiệp. Điều này là không hợp lý, đặc biệt là với những xã có diện tích rừng lớn. Ví dụ, xã Đăk Mang có hơn 2.000 ha rừng; xã Bok Tới có hơn 3.500 ha rừng. Tôi đề nghị có một chức danh lâm nghiệp riêng đối với các xã có diện tích rừng lớn; đồng thời, tăng hệ số phụ cấp lên 1,8 để tăng động lực cho người làm nhiệm vụ này; bởi công tác lâm nghiệp vất vả, trách nhiệm lớn”.
ĐB Hồ Sĩ Dũng (đơn vị Hoài Ân) nói thêm: “Tờ trình này thay thế Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND về quy định chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí đối với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh làm cơ sở. Nên có đánh giá về những ưu - khuyết, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND thời gian qua. Mặt khác, cần có quy định về tiêu chuẩn cho các chức danh, thời gian làm việc cho mỗi chức danh”.
Ngoài ra, các ĐB còn góp ý làm rõ các số liệu liên quan đến báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; kiến nghị giải quyết một số vấn đề sau khi bàn giao hồ chứa nước Đá Bàn (Hoài Ân); đề nghị tỉnh sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; quan tâm đến việc xử lý các điểm ngập úng trên tuyến ĐT 629…
Chỉ tiêu đặt ra phải đảm bảo tính khả thi
ĐB Lê Đình Giám (đơn vị Phù Mỹ) góp ý: “Với tình hình hiện nay, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh cần xem xét lại tổng thể để có những đánh giá chính xác, khách quan từ thực tế để đưa ra một mục tiêu phù hợp. Đơn cử như chỉ tiêu về dịch vụ, trong năm 2020, chỉ tăng 0,53%, mà kế hoạch 2021 đưa ra là từ 7,6 - 8%, liệu có khả thi?”.
Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Thị Anh Thảo (đơn vị Phù Mỹ) cũng cho rằng: “Chúng ta nên phân tích, chỉ rõ nguyên nhân đối với những chỉ tiêu chưa đạt từ đó có cái nhìn tổng thể để đánh giá đúng thực trạng và có định hướng điều chỉnh phù hợp, mang lại hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 5 dự án năng lượng điện mặt trời và theo báo cáo hiện còn 19 dự án sẽ trình các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt để tiếp tục triển khai. Để đảm bảo việc phát triển nguồn năng lượng này đi đôi với việc bảo vệ môi trường, chúng ta cũng cần xem xét kỹ các giải pháp quản lý, xử lý pin của nguồn năng lượng này, nhất là đối với các hộ dân”.
NGUYỄN HÂN - NGUYỄN MUỘI - KIỀU ANH