THỰC HIỆN EVFTA:
Doanh nghiệp phải nắm vững quy tắc xuất xứ hàng hóa
Mở ra cơ hội cho DN kinh doanh xuất nhập khẩu, song Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đặt ra nhiều vấn đề pháp lý đòi hỏi DN phải nắm vững, nhất là quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm hạn chế rủi ro, tranh chấp.
Sản xuất giày da xuất khẩu tại Công ty CP Giày Bình Định.
Đi trước để tận dụng cơ hội
Là một trong những DN xuất khẩu mặt hàng giày da sang thị trường chính là châu Âu (EU), Công ty CP Giày Bình Định đã chủ động đổi mới mẫu mã sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng quy định của EVFTA. Ông Trần Văn Khiêm, Phó Giám đốc Công ty CP Giày Bình Định, cho biết: “Ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực - ngày 1.8.2020, DN đã được hưởng thuế suất 0%. Lâu nay, nguyên liệu đầu vào chủ yếu được chúng tôi nhập từ Trung Quốc để thực hiện các công đoạn, như: Bồi, cắt, may, gò, ghép đế… cho ra thành phẩm đáp ứng nguồn gốc xuất xứ của EVFTA. DN có kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ”.
Với ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ, EVFTA mở ra nhiều cơ hội. Ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), cho hay: “DN gỗ Bình Định có thuận lợi là sử dụng nguyên liệu gỗ hợp chuẩn FSC để sản xuất nên đáp ứng cơ chế về chứng nhận xuất xứ theo cam kết EVFTA. Tuy nhiên, nguyên liệu gỗ đạt chuẩn FSC trong nước không đủ nhu cầu sản xuất, hầu hết DN chế biến đồ gỗ xuất khẩu đều phải nhập khẩu. Không những xuất sang EU, gần đây, nhiều DN gỗ đã đa dạng sản phẩm, chuyển hướng sản xuất mặt hàng gỗ nội thất như tủ bếp, tủ nhà tắm xuất khẩu sang Mỹ, Úc”.
Với các DN xuất khẩu thủy sản, việc chuẩn bị ngay từ đầu để chứng minh xuất xứ nguyên liệu sản xuất, chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường EU cũng là một lợi thế để vượt qua quy tắc xuất xứ của EVFTA. Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn sản xuất sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu sang EU và nhiều nước trên thế giới, 100% tôm nguyên liệu được công ty mua gom trong nước. “Tham gia EVFTA, DN thủy sản phải đáp ứng nghiêm ngặt các chỉ tiêu kháng sinh, kiểm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Lâu nay, chúng tôi liên kết người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh để gom mua tôm nguyên liệu, đó là điểm cộng đáp ứng quy tắc xuất xứ. Việc nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ cũng rất khó kiểm soát dư lượng kháng sinh, do đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ sở, ngành hướng dẫn người nuôi tôm đảm bảo yêu cầu chất lượng tôm nguyên liệu”, ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc công ty chia sẻ.
Cần nắm vững các quy tắc xuất xứ
Theo ông Trần Văn Khiêm, Phó Giám đốc Công ty CP Giày Bình Định, với lợi thế xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU lâu năm, DN không gặp trở ngại trong quy định xuất xứ, mà yêu cầu lớn nhất hiện nay từ phía khách hàng EU là chủ động đáp ứng các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, chế độ chính sách cho người lao động… Khó khăn không chỉ DN giày, mà kể cả DN may cũng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc, khi ngành công nghệ phụ trợ trong nước chưa phát triển đáp ứng nhu cầu của DN sản xuất.
EVFTA có phạm vi cam kết rộng, nhiều quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan, hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, các vấn đề pháp lý… Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Ánh Tuyết cho biết: Phần lớn DN trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, để tiếp cận “sân chơi” EVFTA và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, DN cần nắm và áp dụng trung thực, minh bạch quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA. Để giúp DN nắm rõ hơn các vấn đề pháp lý, hạn chế rủi ro, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chuyên sâu về EVFTA và các FTA, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa thông tin DN lên cổng thông tin xuất khẩu của Việt Nam. Định hướng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ, khảo sát tìm kiếm thị trường phù hợp, kết nối cung cầu cho DN vừa và nhỏ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN