XÃ MỸ CHÁNH (HUYỆN PHÙ MỸ):
Nhiều gia trại chăn nuôi vịt gây ô nhiễm môi trường
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở thôn Lương Trung (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) phải “sống chung” với mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ các chuồng trại chăn nuôi vịt. Người dân mong chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan sớm xử lý dứt điểm tình trạng này để có được môi trường sống trong lành.
Nhiều hộ dân ở thôn Lương Trung xây dựng chuồng trại kiên cố, mở rộng quy mô chăn nuôi vịt nhưng không đảm bảo vệ sinh, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng.
Nuôi vịt ảnh hưởng dân cư
Phản ảnh tới Báo Bình Định, người dân ở thôn Lương Trung cho biết: Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình chăn nuôi vịt tại địa phương đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, mở rộng quy mô, liên tục tăng số lượng đàn vịt. Đáng nói, tất cả chuồng trại chăn nuôi vịt đều nằm xen kẽ trong khu dân cư; thậm chí, có hộ đấu giá 4 lô đất do UBND xã Mỹ Chánh quy hoạch khu dân cư để làm… chuồng vịt.
Bên cạnh đó, dù số lượng vịt nuôi lên tới hơn 1.000 con/hộ nhưng các hộ chăn nuôi này không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý phân, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Tất cả chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi đều thải trực tiếp ra môi trường, khiến môi trường nước và không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Tám, người dân ở thôn Lương Trung, cho biết: Thôn Lương Trung có “truyền thống” nuôi vịt đẻ, nhưng trước đây mỗi hộ chỉ nuôi từ 100 - 200 con nên môi trường ít bị ảnh hưởng. Vài năm gần đây, các gia đình chăn nuôi vịt liên tục tăng đàn trên 1.000 con. Tính tổng cộng các hộ nuôi trong thôn lúc nào cũng có khoảng 20.000 con. Lượng vịt nuôi quá nhiều, hàng ngày nước thải và phân thải ra khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều bữa nhà ông đang ăn cơm, mùi hôi tanh bốc lên, đành bỏ bữa giữa chừng. Những lúc nhà có khách ở nơi khác tới, họ không chịu được mùi hôi thối làm mình cảm thấy ái ngại.
Theo ông Lương Văn Khánh, Trưởng thôn Lương Trung, thì: Thôn có 8 hộ chăn nuôi vịt với số lượng nhiều, trong đó 7 hộ nuôi với số lượng trên 1.000 con/hộ, 1 hộ nhiều nhất lên tới 5.000 con. Ban ngày, các hộ thả vịt ra đồng ăn hoặc nhốt tạm tại khu vực bờ sông Cạn; tối lùa vịt về chuồng. Chuồng trại nằm trong khu dân cư, không có hệ thống bảo đảm vệ sinh môi trường, nên ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ban nhân dân thôn đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị xã, huyện về tình trạng này để có biện pháp xử lý, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Cần xử lý dứt điểm
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết: UBND xã thường xuyên phối hợp với ngành chức năng liên quan của huyện Phù Mỹ tới nhà các hộ chăn nuôi vịt tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, yêu cầu các hộ ký cam kết giảm đàn, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi, bảo vệ môi trường. Các hộ cũng đã chấp hành, nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra.
Trong khi đó, theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, thì: Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND huyện giao Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh làm việc với các hộ chăn nuôi vịt, yêu cầu không được tăng đàn. Tăng cường và duy trì thường xuyên các giải pháp xử lý mùi trong quá trình chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp với Phòng TN&MT huyện khẩn trương lựa chọn địa điểm phù hợp, quy hoạch điểm chăn nuôi tập trung xa khu dân cư để di dời các hộ chăn nuôi vịt, nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Phòng TN&MT huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc các hộ chăn nuôi vịt xây dựng công trình xử lý chất thải. Trường hợp các hộ tiếp tục xả thải trực tiếp ra môi trường thì lập biên bản, đề xuất UBND huyện xử phạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Mặt khác, Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Mỹ Chánh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nghiêm cấm các hộ tăng đàn, nếu không chấp hành thì đề xuất UBND huyện xử lý theo quy định của Luật Chăn nuôi.
CÔNG LUẬN