Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và không khí lạnh
Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ tin không khí lạnh tăng cường, gió mạnh, sóng lớn trên biển, thông tin tới người dân để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Ngày 3.12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung tại công văn số 533/VPTT ngày 27.11.2020 và 542/VPTT ngày 1.12.2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.
Nước lũ ngập lối đi dân sinh và nhà dân tại thành phố Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ tin không khí lạnh tăng cường, gió mạnh, sóng lớn trên biển, thông tin tới người dân và các cấp chính quyền để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tìm kiếm người mất tích, sẵn sàng lực lượng cứu hộ cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống.
Các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn diện rộng và lũ từ ngày 29.11-2.12 đã làm 7 người chết (Khánh Hòa 5 người, Lâm Đồng 2); 1 người mất tích ở Khánh Hòa; 3 nhà sập tại Đăk Lắk; 9 nhà bị hư hỏng nặng; 1.065 nhà bị ngập lụt; 746ha lúa bị thiệt hại (Đắk Lắk).
Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập sâu gây ách tắc giao thông: Quảng Nam (đường Trường Sơn Đông đoạn qua Quảng Nam; Quốc Lộ 40B, đoạn qua huyện Bắc Trà My); Quảng Ngãi (sạt lở 2.000 m3 tuyến đường huyện 67, Quốc lộ 24 đoạn qua xã Ba Giang, huyện Ba Tơ); Đắk Lắk (sạt lở Quốc lộ 26); Khánh Hòa (sạt lở Quốc lộ 27B, 1C và một số tuyến đường tỉnh) và một số thiệt hại khác.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh huy động lực lượng tại chỗ tìm kiếm người mất tích, di dời hộ dân khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn, tổ chức khắc khắc phục hậu quả; tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại.
Theo Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)