Thanh niên Bình Ðịnh sẵn sàng cứu quốc
Ra đời tháng 7.1947, Đoàn Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Định do giáo sư trung học Ngô Chanh làm Tỉnh đoàn trưởng, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên như: Thanh niên Công giáo, thanh niên Phật giáo, thanh niên Hướng đạo và thanh niên học sinh… phát triển ngày càng lớn mạnh. Đến cuối năm 1948 Đoàn Thanh niên Việt Nam tỉnh hay được gọi là “Đoàn Thanh niên cứu quốc” (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), phát triển lên đến 29.700 đoàn viên; thường xuyên tổ chức các cuộc cắm trại, văn nghệ, thể thao…, huy động các lực lượng trẻ vào các công tác xây dựng hậu phương, phục vụ tiền tuyến.
Đoàn Thanh niên cứu quốc cùng chính quyền và các đoàn thể đóng góp tích cực trong phong trào “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “chống giặc ngoại xâm”, thực hiện phong trào “tiêu thổ kháng chiến”, là lực lượng xung kích, cung cấp nguồn nhân lực cho quân đội. Khi bộ đội cần thêm quân, đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc hăng hái lên đường nhập ngũ, dốc sức đóng góp, phục vụ cho tiền tuyến; lớp lớp thanh niên cứu quốc đã trở thành bất tử, mà tấm gương anh hùng Ngô Mây (quê ở Phù Cát) hy sinh trong trận đánh tại Suối Vối (trên đường từ An Khê đi Pleiku) vào tháng 10.1947 là điển hình. Để cản bước tấn công của quân thù, Ngô Mây cổ đeo khăn quàng đỏ, ôm bom lao thẳng vào đoàn xe của quân địch làm cho hơn một trung đội lính Âu Phi bị tan xác, và anh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới 23.
Bảo tàng tỉnh Bình Định hiện đang trưng bày một số hiện vật liên quan đến Đoàn Thanh niên cứu quốc: Phác thảo tượng anh hùng Ngô Mây của tác giả Trần Tía, thể hiện hình tượng Ngô Mây cổ đeo khăn quàng đỏ, đang trong tư thế ôm bom cảm tử lao thẳng vào quân thù (ảnh). Đây là một biểu tượng cao đẹp của Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Pháp. Cờ Ghi công của Đoàn Thanh niên cứu quốc Bình Định tặng chiến sĩ Trần Câu, quê ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, là chiến sĩ của Đoàn Thanh niên cứu quốc, chiến đấu và hy sinh anh dũng trong một trận đánh với Pháp tại An Khê năm 1954. Để tưởng nhớ đồng chí của mình, Đoàn Thanh niên cứu quốc đã viếng điếu, kính tặng hương hồn liệt sĩ Trần Câu lá Cờ Ghi công. Cờ màu đỏ, bên góc trái hình ngôi sao vàng; chính giữa thêu hàng chữ “VÌ NƯỚC BỎ MÌNH”; hàng thứ 2 và 3 thêu hàng chữ: Kính tặng hương hồn chiến sĩ TRẦN CÂU và dưới cùng là hàng chữ T.N.C.Q.K.T (Thanh niên cứu quốc kính tặng).
HỒ THÙY TRANG