Phong trào xây dựng gia đình văn hóa: Nền tảng bền vững của xã hội
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp, ngành quan tâm triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Tăng cả lượng và chất
Tại TX An Nhơn, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) có bước chuyển biến đáng kể. Cuối năm 2020, toàn thị xã có 42.365 hộ đạt chuẩn GĐVH (đạt tỷ lệ 92,24%). Yêu thương được lan tỏa thì hạnh phúc sẽ mãi đong đầy. Đó là bí quyết để gia đình ông Lê Văn Thưởng, ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) trở thành GĐVH tiêu biểu của thị xã. Những cử chỉ chăm sóc, yêu thương của cha mẹ dành cho con và thái độ hiếu kính của con cháu với ông bà, cha mẹ là yếu tố quan trọng để các thành viên trong gia đình ông Thưởng gìn giữ nề nếp gia phong. Đến nay, cả 3 người con trai của ông đều có việc làm ổn định, thành đạt.
“Để con cháu biết kính trên nhường dưới thì cha mẹ phải sống mực thước, lấy chữ “tâm” làm tín, chữ “đức” làm trọng. Gia đình hòa thuận, sống vui vầy, chan hòa thì mỗi thành viên trong gia đình phải biết nhường nhịn, thương yêu nhau”, ông Thưởng chia sẻ bí quyết để tạo lập gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
GĐVH là nền tảng của một xã hội văn hóa.
- Trong ảnh: Các GĐVH tiêu biểu trong tỉnh được Sở VH&TT mời gặp mặt, giao lưu nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28.6).
Ông Tô Hồng Phương, Trưởng phòng VH&TT TX An Nhơn, cho biết: “Kết quả xây dựng GĐVH là nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và các danh hiệu văn hóa trên địa bàn thị xã”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu một chân lý: “... nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Nhận thức rõ vai trò quyết định của gia đình trong việc xây dựng con người, xây dựng xã hội mới, những năm qua, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình huyện Hoài Ân luôn coi việc xây dựng GĐVH là trọng tâm của phong trào. Cuối năm 2019, toàn huyện có 22.414/23.471 hộ đạt GĐVH (tỷ lệ 95,49%).
“Việc xây dựng GĐVH gắn với xây dựng nếp sống cá nhân, nếp sống gia đình và nếp sống của xã hội. Chính việc xây dựng nếp sống văn hóa gia đình đã hình thành đức tính cần cù trong lao động, sáng tạo trong công việc. Tinh thần tự lực đã giúp cho người dân ở địa phương gặt hái nhiều thành công, tạo ra những thương hiệu nông sản nổi tiếng mang đặc trưng của huyện như: Chè Gò Loi, bưởi da xanh Hoài Ân… Từ đó nâng cao thu nhập, tạo việc làm, đời sống của người dân dần được nâng lên”, ông Võ Văn Tín, Trưởng phòng VH&TT huyện Hoài Ân, bộc bạch.
Vun bồi giá trị tốt đẹp
Theo Sở VH&TT, phong trào xây dựng GĐVH được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia. Các gia đình đạt chuẩn văn hóa đã nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình vun đắp, xây dựng tổ ấm, các gia đình đã thực hiện lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, kỷ cương, nền nếp.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, tâm tình: “Mỗi một gia đình có phương cách xây dựng GĐVH, đóng góp cho xã hội khác nhau, nhưng điểm chung của họ vẫn là muốn góp công sức cho quê mình ngày càng giàu đẹp. Vì thế, có người lo làm ăn để giàu lên, tránh gánh nặng cho xã hội; người đã khá giả thì nghĩ phương cách giúp đỡ người khác, hiến đất để xây dựng công trình phúc lợi, có những người tự nguyện đứng ra vận động nhiều người cùng làm đường, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhân rộng cách làm, vì cộng đồng”.
Đến năm 2019, toàn tỉnh có gần 372 nghìn hộ được công nhận GĐVH, chiếm tỷ lệ gần 93% (tăng gần 14% so với năm 2001). “Điều này cho thấy, phong trào xây dựng GĐVH toàn tỉnh đã không ngừng phát triển, nâng cao về số lượng, chất lượng, ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần ngày càng phát triển trình độ dân trí”, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, nhìn nhận.
AN NHIÊN