QUẢN LÝ CÁC HỒ CHỨA VÀ NƯỚC TƯỚI CHO VỤ ÐÔNG XUÂN NĂM 2020 - 2021:
Quản lý khoa học, điều tiết hợp lý
Thời tiết còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải vừa tích nước vừa điều tiết hợp lý để đảm bảo an toàn cho công trình, trữ đủ nước tưới cho vụ Ðông Xuân 2020 - 2021 và cả năm 2021. Ông Hồ Ðắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT) trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh vấn đề này.
Toàn tỉnh có 165 hồ chứa nước với tổng dung tích 590 triệu m3 nước. Trước đây, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp quản lý, khai thác, bảo vệ an toàn 15 hồ chứa nước lớn, tổng dung tích gần 458 triệu m3 nước cùng 24 đập dâng lớn trên sông Côn, Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang; các địa phương quản lý 165 hồ chứa. Từ tháng 9.2020, theo phân cấp quản lý do UBND tỉnh quyết định, số lượng hồ chứa nước do Sở NN&PTNT quản lý tăng lên 66; 99 hồ nhỏ do các địa phương quản lý.
● Công tác quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng các hồ chứa nước mới được giao thêm sẽ như thế nào, thưa ông?
- Công tác quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng hồ chứa nước là vấn đề quan trọng. Tuy vậy, công tác này đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế nhất là đối với các công trình do địa phương quản lý.
Để khắc phục, ngày 17.9.2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 64/2020 về việc phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi (CTTL) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định được giao nhiệm vụ quản lý thêm 51 hồ chứa nước có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên hoặc hồ chứa có chiều cao đập từ 15 m, hồ chứa có đập dài 300 m trở lên để quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng.
Như vậy, hiện nay Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý 66 hồ chứa, tổng dung tích 550 triệu m3 nước; UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý 99, tổng dung tích 40 triệu m3 nước. Hiện Công ty này đang bố trí nhân lực để quản lý các hồ chứa mới tiếp nhận từ các địa phương, đồng thời rà soát lại thực tế về khả năng tích nước, năng lực cấp nước tưới, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tích nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Các địa phương cũng sẽ tính toán loại cơ cấu tổ chức quản lý hồ chứa, xác định nguồn nước hiện có, để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.
● Việc tích nước và điều tiết nước từ các hồ chứa trong mùa mưa năm nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Mùa mưa năm nay thời tiết diễn biến phức tạp và cực đoan hơn so trước. Khu vực trung du, miền núi có nhiều đợt mưa lớn, lượng mưa ở khu vực đồng bằng ít hơn, nên việc tích nước, điều tiết nước từ các hồ chứa cũng có sự điều chỉnh phù hợp. Riêng các hồ chứa: Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom 1, Định Bình, Núi Một và đập dâng Văn Phong thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh theo quy định tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30.7.2018 của Thủ tướng Chính phủ. Các hồ chứa nước khác vận hành, điều tiết nước theo quy định của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã.
Hồ Định Bình là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh đã và đang được quản lý, khai thác hiệu quả.
Trong mùa mưa năm nay, việc vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo đúng quy định, phù hợp diễn biến thực tế, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du; đảm bảo công trình đầu mối; góp phần cắt lũ ở khu vực đầu nguồn các sông lớn. Hiện 165 hồ chứa trong tỉnh đang tích hơn 430 triệu m3 nước, đạt 73% dung tích thiết kế, trong đó có 135 hồ (chủ yếu là các hồ chứa vừa và nhỏ) đã tích đầy nước.
● Theo các dự báo, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, vừa điều tiết nước hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, vừa tích nước để đảm bảo cấp đủ nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 và cả năm 2021…
- Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, từ nay đến cuối năm 2020 tỉnh ta còn bị ảnh hưởng khoảng 1 - 2 cơn áp thấp nhiệt đới nữa. Vì vậy Sở NN&PTNT yêu cầu Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định tiếp tục duy trì phương án phòng chống thiên tai cho từng công trình theo phương châm 4 tại chỗ, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa, thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chỉ đạo.
Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ lượng nước hiện có; xây dựng kế hoạch tưới, vùng tưới, lịch tưới thông báo cho địa phương và bà con nông dân biết để chủ động bố trí sản xuất. Phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2020 - 2021, để dành nước cho vụ sau.
Sở NN&PTNT cùng đã đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm nhiều đến công tác quản lý, điều tiết nước từ các CTTL, hạn chế tích nước đối với những hồ hạn chế về điều kiện kỹ thuật; rà soát, nắm chắc diện tích sản xuất đảm bảo được nước tưới và những vùng thường bị thiếu hụt nước tưới; linh hoạt trong trong bố trí mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đối với những diện tích đất sản xuất thiếu nước tưới; tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ các ao, hồ, sông suối, kênh mương, để cung cấp nước cho vụ Đông Xuân 2020 - 2021; củng cố các tổ, đội thủy nông nội đồng để quản lý, điều tiết tưới hạn chế tranh chấp và chống lãng phí nước...
● Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)