Thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2021: Phù hợp với tốc độ tăng trưởng của địa phương
Năm 2021 Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao dự toán thu ngân sách nhà nước cho tỉnh Bình Ðịnh khoảng 9.240 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2,6% so với năm 2020. Ðến nay, Cục Thuế tỉnh đã giao chỉ tiêu về các đơn vị nhằm sớm triển khai thực hiện kế hoạch. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ðẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh về vấn đề này.
● Thưa ông, ông đánh giá thế nào về dự toán thu ngân sách nhà nước mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao cho tỉnh Bình Định thực hiện trong năm tới?
- Năm 2020 tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh ước khoảng 11.424 tỷ đồng, đạt 126% dự toán. Trong đó loại trừ các khoản tiền thuế sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận được chia, xổ số kiến thiết, ước thu khoảng 6.279 tỷ đồng, đạt 107% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu cho Bình Định thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 9.240 tỷ đồng, loại trừ 3 khoản thuế sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận được chia, xổ số kiến thiết, tổng thu khoảng 5.814 tỷ đồng, trong đó khu vực Công thương nghiệp - Ngoài quốc doanh là 2.300 tỷ đồng. Trên cơ sở này, sau khi làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, phân rã chi tiết dự toán thu năm 2021. Theo đó, Cục Thuế tỉnh đăng ký phấn đấu tăng thu thêm 5% so với dự toán được giao, trình HĐND tỉnh vào kỳ họp diễn ra vào ngày 5 - 6.12 tới đây.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo được ngành Thuế tập trung khai thác trong năm 2021.
- Trong ảnh: Điện gió của một số DN đầu tư tại KKT Nhơn Hội. Ảnh: DŨNG NHÂN
Thực tế, một số lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn do còn ảnh hưởng của dịch bệnh từ năm 2020 kéo qua năm 2021 như khối DN nhà nước trong đó chiếm số thu lớn là các công ty thủy điện, công ty nguyên liệu giấy; khối DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,6% do các công ty hoạt động trong khối này chủ yếu là DN sản xuất thức ăn gia súc, phân bón, giải trí đang chịu tác động của dịch bệnh, mới vào đà phục hồi nên doanh thu dự báo giảm… Song, cơ sở để Cục Thuế đăng ký phấn đấu tăng thêm 5% so với dự toán được giao là dựa vào tình hình phát triển chung của địa phương.
Dự toán thu NSNN xây dựng dựa trên tình hình phát triển KT-XH, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của địa phương. 11 tháng của năm 2020, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của Bình Định tăng 3,6%; dự kiến năm 2021, GRDP của Bình Định tăng từ 6,2 - 6,5%. Đây là kết quả tích cực trong điều kiện “bình thường mới” như hiện nay, tác động trực tiếp tới hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN và dự toán cho năm mới.
Trong mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2025 tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tăng trưởng kinh tế bình quân 7 - 7,5%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 9,5 - 10,2%, dịch vụ tăng 7,1 - 7,5%, nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,2 - 3,6%, dự toán thu năm 2021 tăng xấp xỉ 2,6% so với số ước thu năm 2020. Chúng tôi mạnh dạn đặt mục tiêu như trên còn vì ngành Thuế nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền địa phương, việc hoàn thành dự toán thu năm 2021 là khả thi.
● Ông có thể nói rõ hơn những giải pháp của ngành Thuế trong thực hiện thu ngân sách năm 2021?
- Tất cả mọi tính toán đều xây dựng trong bối cảnh, điều kiện “bình thường mới”, ngành Thuế theo đó áp dụng các giải pháp phù hợp.
Năm 2021, ngành Thuế sẽ chú trọng và toàn diện “điện tử hóa” trong công tác quản lý thuế, tiếp tục tích cực tư vấn, hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế. Theo đó, Cục Thuế tỉnh thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào một số lĩnh vực trọng tâm như: Quản lý các cá nhân kinh doanh tự do; nâng cao tính hiệu quả, khả năng bao quát, nắm bắt giải quyết vấn đề của công chức trong công tác quản lý DN; đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, sử dụng ứng dụng QGS (ứng dụng chuyên ngành do Cục Thuế tỉnh xây dựng, triển khai từ năm 2020) để hoàn thiện các biện pháp, nghiệp vụ giúp cơ quan thuế thực hiện quản lý, cảnh báo người nộp thuế theo hướng hỗ trợ hơn là trừng phạt.
Cơ quan thuế thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, điều gì có lợi nhất cho người nộp thuế, hỗ trợ họ thực hiện tốt nghĩa vụ với nhà nước, chúng tôi sẽ dốc sức làm. Chẳng hạn, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh buộc chúng ta chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, nếu cứ cứng nhắc áp dụng biện pháp thanh, kiểm tra tại trụ sở DN vừa không đảm bảo thực hiện phòng, chống dịch, vừa gây khó cho cả DN lẫn cơ quan thuế. Do đó, với việc sử dụng công nghệ thông tin để phát đi thông báo, Cục Thuế tỉnh đã rà soát và cảnh báo cho khoảng 1.600 DN, điều chỉnh tăng thêm 70 tỷ đồng cho NSNN.
Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục giải pháp rà soát và khơi thông nguồn thu. Như lĩnh vực Công thương nghiệp - Ngoài quốc doanh , Cục Thuế tỉnh rà soát và khơi thông được nguồn thu từ lĩnh vực còn dư địa như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh số, kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ bản, dịch vụ lưu trú, năng lượng tái tạo… phấn đấu thu 2.415 tỷ đồng (dự toán giao khoảng 2.300 tỷ đồng), tăng khoảng 9,8% so với số ước thu được năm 2020.
● Thu thuế là nhiệm vụ của ngành Thuế, song cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đề xuất của ngành Thuế trong công tác phối hợp liên ngành thực hiện thu NSNN?
- Phải nói ngay rằng, Cục Thuế hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh như hiện nay một phần không nhỏ là nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ các cấp chính quyền địa phương, từ sự phối hợp tích cực với các sở, ngành liên quan. Đến nay, Bình Định là một trong những tỉnh có được quy chế phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành với Cục Thuế trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN. Đó là thuận lợi rất lớn cho ngành Thuế.
Tiếp tục phát huy những lợi thế này, trong thời gian tới, Cục Thuế tỉnh tiếp tục phối hợp tích cực với các đơn vị như Sở Tài chính, Sở KH&ĐT trong quản lý dự án đầu tư công; phối hợp thu thuế thương mại điện tử với các ngân hàng; thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường với Sở TN&MT tỉnh… Đồng thời, Cục Thuế tỉnh tiếp tục xây dựng các ứng dụng kết nối liên ngành, chủ động kết nối với các đơn vị để tăng hiệu quả trong công tác quản lý thuế từ phối hợp liên ngành.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)