Trọng tài và công nghệ cao
1. Trong một số giải võ thuật thành tích cao như giải taekwondo quốc gia, công tác trọng tài được tổ chức khá hiện đại với việc bấm nút điện tử chấm điểm và điểm số trực tiếp hiện trên màn hình trong suốt thời gian các vận động viên (VĐV) thi đấu.
Việc áp dụng công nghệ vào công tác trọng tài giúp cho các VĐV, HLV cũng như khán giả biết được diễn biến trên sàn đấu. Điểm số trên màn hình cũng giúp VĐV điều chỉnh chiến thuật thi đấu hợp lý hơn. Chẳng hạn, nếu bị đối thủ dẫn điểm thì VĐV sẽ tích cực ra đòn tìm cơ hội gỡ hòa và vươn lên dẫn trước. Khi thời gian trôi về những giây phút cuối cùng, hoặc là “tử thủ” khi đang nắm lợi thế để bảo đảm chiến thắng, hoặc “tấn công và tấn công” để hy vọng lật ngược “thế cờ”.
Một trong những ưu điểm nổi trội khác của phương pháp chấm điểm trực tiếp trên màn hình là có thể giúp cho các VĐV không bị “mất” điểm oan. Ở những giải đấu bình thường như lâu nay, có những pha ra đòn xứng đáng ghi được điểm, nhưng vì không theo dõi kịp hoặc bị khuất tầm nhìn nên trọng tài không cho điểm. Tuy nhiên, với cách thức tổ chức mới này, HLV có thể đề nghị trọng tài xem lại băng ghi hình ngay tại chỗ để xác định tính chính xác của đòn đánh. Nhờ đó, một vài trường hợp đã được trọng tài công nhận có điểm dù trước đó bị bỏ qua. Việc này đã giúp đem lại sự công bằng cho tất cả VĐV, làm cho các trận đấu hấp dẫn và kịch tính hơn.
2. Thời buổi công nghệ hiện đại, một số giải bóng đá hay quần vợt đã áp dụng công nghệ “mắt thần” nhằm xác định chính xác vị trí của bóng, thì với các môn võ thuật vốn bị coi là “nặng về cảm tính”, công nghệ rất cần được áp dụng. Sự công bằng, chính xác của công tác trọng tài sẽ giúp cho các VĐV thi đấu quyết liệt hơn, chất lượng trận đấu cao hơn.
Chẳng nói đâu xa, việc các môn võ của thể thao Việt Nam ở SEA Games 27 như karatedo, taekwondo, pencak silat, boxing, kempo, muay liên tục bị mất “vàng”, gây bức xúc cho đội ngũ HLV, VĐV cũng xuất phát từ cách chấm điểm “cảm tính” và nặng “chủ nghĩa cá nhân”. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ các nước Thái Lan, Malaysia hay Singapore đầu tư nhiều hơn vào các môn Olympic có luật lệ rõ ràng, có những chuẩn về phương pháp tính điểm. Còn thể thao Việt Nam vốn chỉ mạnh ở các môn võ truyền thống với phương pháp chấm điểm còn “lạc hậu” đã không thể cạnh tranh khi bước ra đấu trường châu lục hay thế giới.
Đã đến lúc, khoa học công nghệ cần được áp dụng triệt để và rộng rãi trong các môn thể thao. Có như vậy, thể thao mới đích thực là nơi phô diễn tài năng, đem lại sự cạnh tranh công bằng.
THIÊN TRÚC