Cục Hàng hải Việt Nam:
Diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng hải tại Cảng biển Quy Nhơn
(BĐ) - Ngày 4.12, tại khu vực biển Cảng Quy Nhơn, Cục Hàng hải phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức buổi cuộc diễn tập TKCN hàng hải.
Tình huống giả định tàu Ven Biển 01 đi ngang qua phao số 17 đâm tàu cá BĐ 014-TS khiến cho tàu cá bị chìm, 4 thuyền viên trên tàu nhảy xuống biển.
Tình huống giả định, vào lúc 8 giờ 45 phút ngày 4.12.2020, trực ban Hệ thống kiểm soát lưu thông trên biển Quy Nhơn (VTS) nhận được báo cáo tàu Ven Biển 01 đang rời đầm Thị Nại đi Hải Phòng theo kế hoạch; tàu Quy Nhơn 88 đang vào đầm Thị Nại. Trực ban VTS cảnh báo cho 2 tàu hướng di chuyển trên luồng ra vào đầm, đề nghị chủ động liên lạc với nhau để tránh va đập. Cùng thời điểm trên, tàu cá BĐ 024-TS có 4 thuyền viên đang ra khơi đánh cá. Khu vực biển Quy Nhơn đột ngột xuất hiện giông gây mưa to, gió lớn, khiến tàu cá trôi dạt vào luồng hàng hải và bị tàu Ven Biển 01 đi ngang qua phao số 17 đâm, tàu cá BĐ 024-TS bị chìm, 4 thuyền viên trên tàu nhảy xuống biển. Tàu Ven Biển 01 đã phát báo nạn, quăng phao tròn xuống biển để cứu nạn thuyền viên tàu cá bị nạn.
Tàu Quy Nhơn 88 đang vào khu neo đậu đầm Thị Nại, do không tránh kịp đã đâm vào tàu Ven Biển 01.
Cùng lúc đó, tàu Quy Nhơn 88 do không tránh kịp đã đâm vào tàu hàng Ven Biển 01 làm 1 thuyền viên trên tàu Quy Nhơn 88 rơi xuống biển. Tàu Ven Biển 01 bị rách bên mạn phải làm nước tràn vào hầm hàng số 1, tàu nghiêng và có nguy cơ tràn dầu ra môi trường. Tàu hàng Quy Nhơn 88 cũng bị hư hỏng, nước tràn vào kho thiết bị, chập điện và cháy. Thuyền trưởng 2 tàu hàng đã gọi điện báo cáo cho Trực ban VTS, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp, đồng thời sử dụng phao cứu sinh để cứu thuyền viên rơi xuống biển và tổ chức dập tắt đám cháy.
Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực II sử dụng tàu Sar để cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Nhận được tin báo từ Trực ban VTS, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn yêu cầu tàu Ven Biển 01 lập tức quăng phao xuống ứng cứu những người rơi xuống biển; báo cáo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam; Ban Chỉ huy PCCT& TKCN tỉnh Bình Định biết vụ việc và đề nghị các ngành chức năng của tỉnh phối hợp thực hiện công tác TKCN. Ngay sau đó, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực II; Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, CA tỉnh điều động lực lượng, sử dụng các tàu Sar, ca nô phối hợp tìm kiếm người mất tích. Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long sử dụng 2 tàu công suất lớn tham gia chữa cháy, xử lý dầu tràn. Các y bác sĩ, xe cứu thương cũng đã có mặt tại hiện trường để sơ cấp cứu, vận chuyển các thuyền viên bị nạn đến BVĐK tỉnh chữa trị.
Nhiều phương tiện khác cũng đã được huy động để tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang, trong 6 đợt diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển, tình huống giả định tại khu vực biển Quy Nhơn là phức tạp nhất và được thực hiện trong điều kiện thời tiết mưa, sóng to, gió lớn, phù hợp với thực tế tình hình mưa bão. Các đơn vị đã phối hợp nhịp nhàng từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin đến việc tổ chức cứu vớt thuyền viên, chữa cháy tàu, thu gom dầu tràn. Nhờ vậy, công tác TKCN thực hiện nhanh và đạt hiệu quả cao.
Công tác chữa cháy, xử lý dầu tràn nhanh chóng được triển khai.
Cuộc diễn tập lần này là điều kiện tốt để Cục Hàng hải Việt Nam hoàn thiện hệ thống tổ chức TKCN trong vùng nước cảng biển, phát huy phương châm 4 tại chỗ, nâng cao năng lực PCTT&TKCN. Đây cũng là dịp để Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn hiện thực hóa quy chế phối hợp TKCN trên biển với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, hàng hóa ở khu vực biển Quy Nhơn.
Các y, bác sĩ đưa thuyền viên bị thương vào BVĐK tỉnh để chữa trị.
Tin và ảnh: TIẾN SỸ