MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA KỲ HỌP THỨ 13, HÐND TỈNH KHÓA XII:
Ðầu tư cho phát triển đời sống dân sinh
Theo chương trình, tại kỳ họp thứ 13, HÐND tỉnh khóa XII, HÐND tỉnh sẽ nghe và xem xét thông qua 12 báo cáo, 26 tờ trình của UBND tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là các tờ trình: Về việc ban hành chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng; quy định nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ và điều chỉnh thời gian thực hiện Chương trình sữa học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước).
Tỉnh sẽ hỗ trợ 190 tỷ đồng kiên cố 600 km kênh mương
Theo Tờ trình số 105/TTr-UBND ngày 27.11.2020 của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã kiên cố 1.122km kênh mương, kênh mương nội đồng các loại (kế hoạch 590 km), đảm bảo tưới cho 88.629 ha đất gieo trồng, nâng tổng số km kênh mương được kiên cố đến năm 2020 là 2.304 km/2.944 km, đạt tỷ lệ 78,2%. Tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là hơn 395,6 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ bằng xi măng là 88.003 tấn (tương đương 139,5 tỷ đồng), hỗ trợ bằng tiền hơn 256 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2020, Nghị quyết số 27/2015/NQ-HĐND ngày 25.12.2015 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2016 - 2020 sẽ kết thúc. Trong khi đó, việc kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng của UBND các huyện, thị xã, thành phố vẫn còn nhu cầu, nhằm tăng mức đảm bảo nước tưới; giảm chi phí nạo vét, vận hành; chủ động cấp nước; giảm diện tích chiếm đất và thất thoát nước; góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021 - 2025. Với mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới, chiều dài kênh mương, kênh mương nội đồng (kênh loại 3) được kiên cố hóa là 600 km, nâng tổng chiều dài kênh mương, kênh mương nội đồng được kiên cố đến năm 2025 là 2.904 km. Kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho các địa phương thực hiện dự kiến hơn 190 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện chính sách gồm ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua vốn vay tín dụng ưu đãi hằng năm, các nguồn vốn khác của ngân sách tỉnh; vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn chương trình 30a, ngân sách các địa phương…
Chăn nuôi bò nông hộ tại xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn).
Hơn 62,5 tỷ đồng phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao
Theo Tờ trình số 104/TTr-UBND ngày 27.11.2020 của UBND tỉnh, để góp phần xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao làm cơ sở để xây dựng thương hiệu thịt bò Bình Định, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua quy định nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2021- 2025.
Theo đó, tổng kinh phí đầu tư các hạng mục chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ trong 5 năm tới hơn 62,573 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 20,717 tỷ đồng; ngân sách các địa phương hơn 14,226 tỷ đồng, vốn của dân hơn 27,629 tỷ đồng.
Về quy mô tổng số đàn bò được thụ tinh nhân tạo trong giai đoạn 2021 - 2025 là 495 nghìn con, trong đó, nhóm bò Zêbu nội hơn 161 nghìn con, nhóm bò chất lượng cao hơn 333 nghìn con. Nguồn kinh phí thực hiện đối với vật tư thụ tinh nhân tạo bò (tinh đông lạnh và dụng cụ thụ tinh nhân tạo), ngân sách tỉnh và huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ 50%.
Về tỷ lệ vốn giữa ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố được chi như sau: TP Quy Nhơn ngân sách thành phố tự đảm bảo 100%; các huyện miền núi (An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh) ngân sách tỉnh đảm bảo 100%; đối với 2 huyện trung du (Hoài Ân, Tây Sơn) ngân sách tỉnh chi 70%, ngân sách huyện chi 30%; các huyện, thị xã còn lại ngân sách tỉnh chi 50%, địa phương 50%. Vốn đối ứng của nông dân 50%.
Nhiều trẻ mầm non, mẫu giáo miền núi bị suy dinh dưỡng, sau khi được uống sữa 3 lần/tuần theo chương trình, đã cao lớn, phổng phao, đảm bảo sức khỏe học tập, vui chơi.
- Trong ảnh: Học sinh Trường Mẫu giáo Canh Liên, huyện Vân Canh. Ảnh: NGỌC QUỲNH
Kéo dài chương trình “Sữa học đường” thêm 5 tháng
Theo các Quyết định của UBND tỉnh, thời gian thực hiện chương trình Sữa học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh là trong 2 năm (2019 - 2020). Đặc thù của ngành GD&ĐT là theo năm học, mỗi năm học 9 tháng thì việc thực hiện chương trình này sẽ diễn ra trong 4 học kỳ với 18 tháng, và đến hết ngày 31.12.2020 thì chương trình kết thúc.
Tuy nhiên, theo tính toán của Sở GD&ĐT, đến hết ngày 31.12.2020, ngành vẫn chưa đảm bảo việc thực hiện Chương trình trong 4 học kỳ với 18 tháng bởi nhiều khó khăn khách quan. Do đó, tổng số thời gian uống sữa của trẻ mầm non đến hết ngày 31.12.2020 chỉ mới có 13 tháng (tương đương 3 học kỳ).
Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, trong thời gian qua, ngành GD&ĐT đã nỗ lực thực hiện tốt chương trình “Sữa học đường”, kết quả mang lại rất đáng phấn khởi, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở tất cả các thể (nhẹ cân, thấp còi, còi cọc), nhất là ở các trường vùng khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, nhất là số trẻ em ở miền núi đạt gần như 100%. “Với những lợi ích mà chương trình mang lại cho trẻ, nhất là số trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; trên cơ sở ý kiến đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng sự đồng thuận của các sở, ngành liên quan, Sở GD&ĐT đề nghị HĐND tỉnh xem xét kéo dài thời gian thực hiện chương trình này đến hết ngày 31.5.2021, tức là hết năm học 2020 - 2021”, ông Tuấn đề xuất.
Cùng với việc kéo dài chương trình “Sữa học đường” thêm 5 tháng nữa thì nguồn kinh phí cũng phải đảm bảo tương ứng. Theo đó, DN cung ứng sữa sẽ phải tiếp tục hỗ trợ 25% kinh phí theo giá mua sữa cho tất cả trẻ tham gia chương trình. Trong thời gian này, ngân sách địa phương (gồm ngân sách tỉnh và ngân sách huyện, thị xã, thành phố) hỗ trợ kinh phí theo giá mua sữa cho từng nhóm đối tượng đã được quy định.
NGUYỄN HÂN - NGỌC TÚ