Thêm cơ hội thực hành cho sinh viên ngành Du lịch - Dịch vụ
Thông qua việc nhận làm dịch vụ tiệc nhẹ giờ nghỉ giải lao (tiệc teabreak) cho một số sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn TP Quy Nhơn, khoa Du lịch - Dịch vụ Trường CÐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn mở ra cơ hội thực hành cho sinh viên ngay từ khi còn đang trên giảng đường.
Hào hứng thực hành
Khoảng 3 - 4 tháng trở lại đây, khoa Du lịch - Dịch vụ Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn nhận làm dịch vụ tiệc nhẹ giờ nghỉ giải lao ở một số sự kiện. Thông qua việc trang trí, lên thực đơn, phục vụ đại biểu, khoa tăng cơ hội thực hành, ứng dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế cho học sinh, sinh viên.
Cô Tuyết Minh và sinh viên nghề kỹ thuật chế biến món ăn sắp xếp lại tiểu cảnh trang trí tại tiệc teabreak của Hội nghị thường niên CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam năm 2020 được tổ chức tại TP Quy Nhơn.
Sinh viên Huỳnh Thanh Tĩnh (lớp Trung cấp Kỹ thuật chế biến món ăn) được giáo viên phụ trách nhận xét là có thế mạnh về cắt tỉa củ quả thành hình động vật. Tĩnh chia sẻ: “Trung bình, em cần 45 phút để làm ra một sản phẩm cắt tỉa. Sản phẩm muốn đẹp phải có dáng vẻ mềm mại, sống động. Em thường xuyên quan sát động vật để nắm bắt đặc điểm, thần thái của chúng để sản phẩm trang trí thuyết phục người xem hơn. Được cô giáo phân công cắt tỉa tạo hình một số loại động vật để trang trí tiểu cảnh, em rất hào hứng. Đây là dịp em quan sát sự đánh giá của thực khách để rút kinh nghiệm cho chính mình”.
Bạn cùng lớp Tĩnh, sinh viên Nguyễn Ngọc Thọ kể thêm: “Những sự kiện khoa nhận làm dịch vụ không chỉ là để sinh viên được học tập, tăng kỹ năng thực hành mà còn là dịp để tụi em được xuất hiện, giới thiệu sản phẩm từ bàn tay của mình. Chẳng hạn, tụi em đã có được những đơn hàng cắt tỉa trang trí nho nhỏ tại các chương trình vui tết Trung thu, mừng ngày Nhà giáo Việt Nam của một số trường học”.
Tất bật ở quầy phục vụ tiệc teabreak cho đại biểu, sinh viên Mai Thị Thu Trang (lớp Cao đẳng Quản trị nhà hàng), cho biết các bạn đã đi làm thêm ở bên ngoài từ sớm để tích lũy kinh nghiệm, quan sát cách vận hành, văn hóa của các cơ sở dịch vụ nhà hàng. Song, với các đợt tham gia cùng khoa, sinh viên có cảm giác yên tâm hơn hẳn bởi các cô sẽ nhắc nhở, chỉnh sửa ngay, đồng thời hướng dẫn ứng dụng lý thuyết vào thực tế để kiến thức, kỹ năng được ghi nhớ sâu hơn.
Trân trọng, sáng tạo trong từng sự kiện
Để lại ấn tượng với các đại biểu từ những sản phẩm trưng bày tại một sự kiện của trường, khoa Du lịch - Dịch vụ nhận được “đặt hàng” đầu tiên từ Đảng bộ Khối DN tỉnh. Với quy mô tăng dần từ khoảng 300 đại biểu ở sự kiện đầu tiên đến khoảng 700 khách ở sự kiện gần đây nhất, tập thể giảng viên và học sinh, sinh viên của khoa bước đầu khẳng định năng lực đào tạo qua các sản phẩm dịch vụ đưa đến cho khách hàng.
“Tất cả các sự kiện đều do các đơn vị chủ động tìm đến, đặt hàng. Đây là điều mà chúng tôi rất tự hào. Được nhà trường tạo điều kiện, chúng tôi cố gắng với từng sự kiện được đảm nhận, với phương châm: không đặt nặng yếu tố kinh doanh mà coi đây là cơ hội lớn để quảng bá về khoa, về năng lực đào tạo của mình và tăng cơ hội thực hành cho sinh viên trước khi các em tốt nghiệp, đi tìm việc làm. Vì thế, chúng tôi thường xuyên thay đổi các nhóm sinh viên để hầu hết các em đều có cơ hội tham gia, thực hành”, cô Lê Thị Tuyết Minh, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Du lịch - Dịch vụ, chia sẻ.
Để thuyết phục khách hàng, đạt được sự tín nhiệm, hài lòng, khoa Du lịch - Dịch vụ đặt yếu tố chất lượng, thẩm mỹ lên hàng đầu. Thực phẩm phục vụ trong tiệc teabreak đều được đặt ở những cơ sở uy tín, có chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm trang trí đảm bảo tính độc đáo, mới lạ, không lặp lại, do chính sinh viên thực hiện. Đội ngũ phục vụ tươi tắn, chu đáo.
Khối lượng công việc của một tiệc teabreak khá nhiều, đòi hỏi sự dày công chuẩn bị, lên kế hoạch phân công chi tiết. Vất vả nhưng đây là cơ hội để mỗi sinh viên có cái nhìn chân thật nhất về nghề, từ đó cố gắng học tập, rèn luyện nhiều hơn.
NGUYỄN MUỘI