“Mổ xẻ” nhiều vấn đề cử tri quan tâm
Tham gia thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 13, HÐND tỉnh khóa XII, chiều 5.12, nhiều đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2020; đồng thời kiến nghị tỉnh có các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và các diễn biến bất lợi của thời tiết.
Thúc đẩy thu hút đầu tư, hỗ trợ DN
Về vấn đề thu hút đầu tư, đại biểu (ĐB) Trần Văn Sang (đơn vị Phù Cát) đề nghị sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tỉnh cần có chính sách tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ hồi phục, hoạt động trở lại trong năm 2021. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (đơn vị Phù Cát) đặt vấn đề cần nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhằm thu hút đầu tư.
ĐB Trần Văn Sang đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ hồi phục, hoạt động trở lại sau tác động của đại dịch Covid-19. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
ĐB Nguyễn Thanh Trà (đơn vị Tây Sơn) cho rằng, một mặt chúng ta đưa ra những chính sách thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, mặt khác tỉnh cũng nên có những chính sách phù hợp để đảm bảo việc quản lý hoạt động của DN, nhà đầu tư, hướng họ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. “Hiện nay, có một thực tế là nhiều DN, nhà đầu tư chỉ mới có được chủ trương đầu tư và chưa được cấp giấy phép hoạt động, nhưng đã tiến hành đào bới, san lấp, lấy cát, khai thác khoáng sản..., làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sống của người dân quanh khu vực dự án. Điều này thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý nhà nước của chúng ta, do vậy, theo tôi, chúng ta nên siết chặt quy định cơ chế đầu tư để DN, nhà đầu tư hoạt động trật tự, đúng quy định và tránh những hệ lụy phát sinh về sau”, ĐB Trà kiến nghị.
ĐB Nguyễn Thanh Trà cho rằng tỉnh cần có chính sách phù hợp để đảm bảo việc quản lý hoạt động của DN, nhà đầu tư. Ảnh: VĂN LƯU
Cũng quan tâm công tác thu hút đầu tư, ĐB Hồ Sỹ Dũng (đơn vị Hoài Ân) phản ảnh tình trạng vẫn có nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được lấp đầy và đề nghị rà soát lại xem nguyên nhân là giá thuê đất cao hay vì các khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện để các DN đầu tư.
Giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ
Liên quan đến Dự án Khu Đô thị, dịch vụ, thể thao hồ Phú Hòa (TP Quy Nhơn) bị chậm tiến độ kéo dài, ĐB Đỗ Đình Phương (đơn vị Quy Nhơn) bày tỏ bức xúc: “Qua các lần tiếp xúc cử tri, tôi thấy người dân rất quan tâm đến tiến độ thi công của dự án này và đề nghị lãnh đạo tỉnh nên sớm xử lý dứt điểm. Trước đây, hồ Phú Hòa rất đẹp và thơ mộng, đây cũng là “cái túi” để đựng nước, góp phần chống ngập cho địa bàn phường Nhơn Phú, phường Quang Trung. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà đầu tư thi công bỏ dở dự án, gây bức xúc cho nhân dân”.
ĐB Đỗ Đình Phương bức xúc về tiến độ thi công của dự án hồ Phú Hòa. Ảnh: VĂN LƯU
ĐB Nguyễn Văn Dũng (đơn vị Quy Nhơn) kiến nghị: Thời gian qua, tỉnh có chủ trương di dời các DN hoạt động tại 2 cụm công nghiệp Quang Trung và Nhơn Bình ra khỏi nội thành Quy Nhơn. Thế nhưng, tiến độ di dời hiện rất chậm, ảnh hưởng đến môi trường và việc mở rộng, phát triển không gian đô thị. “Tại các cụm công nghiệp này, hầu hết các DN xây dựng kho để chứa hàng chứ ít hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm có giải pháp để phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ, di dời các cụm công nghiệp”, ĐB Dũng nói.
ĐB Đỗ Ngọc Mỹ phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: VĂN LƯU
ĐB Phạm Trương (đơn vị Hoài Nhơn) thì đề nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để Khu công nghiệp Bồng Sơn sớm hình thành và đi vào hoạt động. Đồng thời, tỉnh nên xây dựng đơn giá bồi thường từng loại công trình kiến trúc, nhà ở, cây trồng phù hợp với cơ sở hạ tầng của một thị xã vì đơn giá xây dựng lâu nay áp dụng chung cho các địa phương trong tỉnh và chưa tiệm cận với thị trường.
Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng
Về công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho các vùng khó khăn phát triển, tham gia thảo luận tại tổ, ĐB Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đề xuất cần quan tâm đến hạ tầng giao thông của huyện Vân Canh. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét bổ sung vốn đầu tư công (giai đoạn 2021 - 2025) để xây dựng tuyến đường từ ngã ba xã Canh Vinh tới thị trấn Vân Canh và lắp đặt hệ thống điện đường cho tuyến đường này. “Dù khó khăn đến đâu, tỉnh cũng phải ưu tiên cho các huyện miền núi. Tuyến đường này sẽ có vai trò quan trọng để huyện Vân Canh “cất cánh” khi kết nối với Dự án Khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị Becamex VSIP Bình Định”, ĐB Toàn nhấn mạnh.
ĐB Phạm Trương (Hoài Nhơn) kiến nghị tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư, xây dựng âu thuyền, cơ sở hạ tầng nghề cá tại cảng cá Tam Quan. “Vừa rồi Trung ương và tỉnh có hỗ trợ nạo vét luồng lạch ra vào cảng nhưng chưa khắc phục triệt để tình trạng bồi lấp cát. Đề nghị tỉnh có chủ trương đầu tư nâng cấp cảng cá theo hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện cho 1.500 tàu cá ra vào thuận lợi”, ông Trương nói.
ĐB Lê Hoàng Nghi. Ảnh: N.MUỘI
Thu ngân sách khả quan trong điều kiện hết sức khó khăn
Nhấn mạnh về những kết quả tích cực trong thu ngân sách năm 2020, ÐB Lê Hoàng Nghi (đơn vị An Nhơn) cho rằng, trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong thu ngân sách. Ðặc biệt là khoản thuế thu từ các DN ngoài quốc doanh rất ấn tượng dù tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. “Ngành Thuế đã tích cực hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn, khai thác các nguồn thu mới, đôn đốc thu hồi nợ. Năm nay, ngân sách địa phương đã chủ động đảm bảo các chính sách của Trung ương, địa phương, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kinh phí; đặc biệt, chúng ta đã đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ an sinh cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch khi ngân sách Trung ương hỗ trợ chưa về kịp”, ÐB Nghi nhấn mạnh.
NGUYỄN HÂN - NGỌC TÚ - KIỀU ANH - NGUYỄN MUỘI