Phụ nữ và những sản phẩm tâm huyết dành cho nữ giới
Từ tâm huyết làm ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp hay gia dụng có nguồn gốc tự nhiên, an toàn cho giới mình, một số chị em đã dày công thử nghiệm, khởi nghiệp và bước đầu thành công.
Sản phẩm “xanh” cho phụ nữ
Cảm hứng, trăn trở về những sản phẩm tắm, gội có nguồn gốc thảo mộc, an toàn cho phụ nữ của chị Võ Thị Ngọc Điệp, 33 tuổi, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân - tác giả dự án Dầu gội bồ kết Ngọc Điệp, đạt giải khuyến khích cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2020 - xuất phát từ trải nghiệm của bản thân.
Chị Ngọc Điệp bên 3 sản phẩm tâm huyết của mình.
Năm 2015 khi sinh con đầu lòng, tóc chị Điệp bắt đầu rụng, gàu, nấm xuất hiện rất nhiều. Được bà nội, mẹ thường xuyên hái lá nấu với bồ kết cho tắm gội, chị Điệp cảm giác rất thư thái, các chứng bệnh về tóc, da đầu cũng giảm hẳn. Một thời gian sau chị dùng dầu gội công nghiệp, tình trạng trên lại xuất hiện. “Tôi tự hỏi sao xung quanh mình có lá, bồ kết mà cứ dùng dầu gội công nghiệp để rồi nấm, ngứa mới vội vàng xử lý, nếu thị trường có những sản phẩm dầu gội kiểu xưa như thế thì tiện biết mấy? Năm 2016 tôi bắt đầu nghiên cứu mảng này”, chị Điệp kể.
Học hỏi nhiều nguồn, mày mò thử nghiệm nhiều cách, gia giảm, thay đổi nguyên liệu, thành phần, cách chế biến, đến tháng 1.2019, nỗ lực cùng tâm huyết của chị Điệp mang lại kết quả. Bộ 3 sản phẩm: Dầu gội bồ kết, kem ủ tóc tinh chất bưởi - dừa - nha đam và xịt tóc hoa bưởi mang nhãn hiệu Ngọc Điệp dần được khách hàng là phụ nữ trong và ngoài huyện tín nhiệm.
Với chị Mai Phúc Duyên, 35 tuổi, một kiến trúc sư, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, từ chỗ tự làm dầu gội, nước rửa chén… từ thực vật để nhà dùng, sau 3 năm, hiện chị là tác giả của 67 sản phẩm.
Xà bông bánh, sản phẩm phong phú nhất và có hình thức bắt mắt của Mai Gardens.
Mang nhãn hiệu Mai Gardens, sản phẩm của chị Duyên khá phong phú, gồm các mặt hàng như: Xà bông bánh, dầu gội, dầu xả, sữa tắm, sữa rửa mặt, dung dịch vệ sinh phụ nữ, tinh dầu dưỡng da - tóc, nước lau sàn, nước rửa chén, gel rửa tay, bột giặt… Mỗi loại lại đa dạng về thành phần, chiết xuất, phổ biến là những thảo mộc được ông bà xưa tin dùng như nghệ, hà thủ ô, bưởi, bồ kết, bồ hòn, sả, chanh, gừng, trầu không, diếp cá, trà xanh, tía tô… Luôn cố gắng thực hành sống xanh trong đời sống sinh hoạt thường ngày, từ chỗ mày mò học, làm cho nhu cầu gia đình, chính chị Duyên cũng không ngờ những sản phẩm thủ công của mình lại được một bộ phận khách hàng đón nhận, đạt hạng “uy tín” trên trang bán hàng trực tuyến Sendo (kênh bán chính của chị Duyên), giúp chị có một nghề tay trái cho thu nhập khá và nhất là được lan tỏa lối sống xanh.
Gìn giữ nét xưa
Điểm chung ở các nữ “tác giả” là tâm huyết mang lại những sản phẩm an toàn cho giới mình, hài hòa với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ hạnh phúc góp cho thị trường những sản phẩm thân thiện “made by phụ nữ Bình Định” và hỗ trợ chị em tìm đến với vẻ đẹp của hương đồng cỏ nội.
Chị Văn Thị Mỹ Mạnh, 34 tuổi, ở Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn, thành viên sáng lập HTX Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thuốc tắm Dao đỏ SaPa Secret, chia sẻ: “Là người Kinh, trong quá trình làm mẹ, tôi may mắn được trải nghiệm những bài thuốc chăm sóc cơ thể được làm từ các thảo dược tại vùng đất Sa Pa theo công thức gia truyền của người Dao đỏ nên muốn chia sẻ, giới thiệu cùng chị em”. Nghĩ vậy, từ 2 năm trước, chị Mạnh bắt tay vào làm, cùng với phụ nữ đồng bào Dao giữ vai trò chủ yếu trong khâu bào chế. Hiện tại, SaPa Secret đã có bộ dược mỹ phẩm với 9 sản phẩm chủ lực (thuốc tắm, thuốc ngâm chân, sữa tắm thảo mộc, dầu gội thảo mộc, sữa rửa mặt, bộ sản phẩm sau sinh, nước tắm cho bé, các loại tinh dầu, xà bông thảo mộc, các loại bột thảo mộc), 1 trang trại nguyên liệu rộng 2 ha, 1 trụ sở kết hợp khu sản xuất.
Ở dự án khởi nghiệp của chị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân Trần Thị Mỹ Hậu đánh giá, cùng với công dụng, sản phẩm sử dụng thành phần từ hoa bưởi còn giúp tăng giá trị kinh tế cho nhà vườn ở địa phương. Thay vì tỉa hoa bưởi bỏ bớt, nay chủ vườn có thể bán cho dự án với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, thêm một khoản thu nhập. Mặt khác, nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương này cũng làm giảm giá thành sản phẩm, phù hợp với thu nhập của phụ nữ nông thôn.
Với chị Mai Phúc Duyên, nghề tay trái là nguồn vui, thu nhập thêm, đồng thời cũng là trăn trở, bởi gắn với niềm tự hào, mong muốn tìm lại những sản phẩm dân dã một thời. Chị tâm sự: “Trong thời gian học thạc sĩ về kiến trúc ở Anh, bạn bè nước ngoài thấy tôi tự làm những sản phẩm tắm gội, tẩy rửa để dùng thì rất ngạc nhiên, tôi bảo chẳng phải tôi tự bào chế mà chỉ là học theo người xưa. Về nước, tôi mở rộng quy mô làm và bán sản phẩm hơn 2 năm nay. Dù sản phẩm từ thiên nhiên không mang lại hiệu quả tức thời như sản phẩm công nghiệp, nhưng người mua sử dụng vẫn ngày càng nhiều. Điều đó khiến tôi rất vui vì có nhiều người đồng quan điểm sống xanh, chuộng cổ truyền”. Năm 2021, với kế hoạch tiếp tục du học, chị Duyên dự định mở rộng việc làm và bán, giới thiệu rộng rãi hơn nữa những sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên thuần Việt.
SAO LY