Tác giả Bùi Duy Phong: Tôi chia sẻ về quê hương tôi...
Bùi Duy Phong là tác giả còn khá mới, có nhiều truyện ngắn thu hút đông đảo bạn đọc quan tâm. Tháng 10.2020, nối dài mạch cảm xúc giản dị, chân thành, tập truyện thứ 2 của anh Ðiều an ủi cuối cùng (NXB Hội Nhà văn & Mibooks) ra mắt bạn đọc.
Bùi Duy Phong (SN 1971, quê ở huyện Hoài Ân) là một thầy giáo dạy môn Tiếng Anh ở Trường THPT Tăng Bạt Hổ, TX Hoài Nhơn; nhưng anh lại được biết đến nhiều hơn ở góc độ là một người viết văn. Anh hay viết những tản văn ngắn ghi lại những cảm xúc, những ký ức về một thời đã qua và đưa lên facebook để chia sẻ cùng bè bạn. Năm 2019, anh ra mắt tập truyện đầu tay Bến đợi (NXB Đồng Nai). Người đọc dễ dàng nghĩ ngay, tác giả là dân Bình Định vì lẽ truyện của anh bàng bạc hình ảnh xứ Nẫu. Đó là sông Kim Sơn, sông Lại, những xóm nghèo bên triền sông hay nép dưới chân đồi, những làng chài ven biển Hoài Hải, Hoài Hương... Bùi Duy Phong có kiểu dắt bạn bước thẳng vào không gian làng quê ấy, dẫn người đọc vào trầm mặc yên bình, hồi nhớ về những không gian xưa với con trâu, gánh cỏ, chiếc thuyền nan, bến đò, cây cầu, cùng tiếng côn trùng rả rích khi đêm xuống…
Tác giả Bùi Duy Phong tại buổi ra mắt tập truyện đầu tay Bến đợi.
Bùi Duy Phong tâm sự: “Tất cả những ai lớn lên được đều mang theo hoài niệm thơ ấu. Ngay cả những người hối hả chạy theo dòng đời cũng chỉ là tạm quên, tuổi thơ luôn khu trú một góc khuất nào đó thôi. Mình thường chia sẻ thật nhiều với độc giả những người bạn ngày xưa, những làng quê ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, bởi một lý do những miền quê mộc mạc, những tháng ngày nghèo khó đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, nuôi mình lớn lên”.
Dường như nguồn cảm xúc nằm đâu đó trong miền ký ức đã được nén ủ từ lâu nên anh viết khá nhanh. Phần nhiều các truyện của anh được khởi mạch cảm xúc từ những chuyện có thật. “Hầu hết các truyện mình viết đều là những câu chuyện từ thực tế qua chút hư cấu, nhào nặn của mình thôi. Như ngay trong tập sách mới nhất, tập Điều an ủi cuối cùng, mọi người có thể nhận thấy điều đó qua các truyện như Tình Già, Mưu sinh, Chuông nhà thờ ngân vang...”, anh Phong chia sẻ.
Lần theo những trang văn của anh, người đọc bắt gặp nhiều mảnh đời nhọc nhằn mưu sinh hiện lên chân thật. Họ luôn giữ được thiện tâm, biết yêu thương và đó là cách để anh Phong nhen lên, góp thêm một chút tốt đẹp cho cuộc sống. Truyện Gánh cháo là một ví dụ. Nhân vật mẹ Lan dè sẻn từng chút một nuôi con ăn học nên người. Đến cuối đời, bà vẫn giữ lấy gánh cháo ấy bầu bạn. Hình ảnh người mẹ bình dị chân quê kia, cứ khiến người đọc rưng rưng qua những câu chữ xúc cảm: “Tô cháo sáng nay bỗng dưng khác lạ, nó có vị ngọt của tình mẹ, vị mặn của những giọt mồ hôi, vị chát đắng của cả một đời người nuôi con mà bà Lan đã trộn vào nó...”.
Truyện của Bùi Duy Phong khiến người ta nghĩ nhiều hơn về yêu thương, về cái tình, cái nghĩa trong cuộc đời này. Điều ấy được anh nhẹ nhàng truyền tải qua những câu chuyện của mình. Như truyện Điều an ủi cuối cùng, là một mối tình đẹp, day dứt cho đến lúc chia lìa nhân thế của bà Kha và ông Thành. Những trắc trở do ly loạn chiến tranh, rồi cũng lùi lại. Cái tình, cái nghĩa vẫn còn đấy, nhen lên bao ấm áp hạnh ngộ. Hai con người chịu bao trắc trở kia đến cuối đời đã gặp được nhau. Họ đã có được điều an ủi trước lúc nhắm mắt xuôi tay. Và đáng quý hơn, ân nghĩa xưa nhận được sự đồng cảm từ chính những đứa con của mình.
Cuộc sống quanh ta, có hằng hà sa số nỗi buồn vây bủa. Có khi, những điều ấy như kéo ta đi theo. Đọc truyện của Bùi Duy Phong, không có những dụng công kỹ thuật mà nó thiên hẳn về cảm xúc. Và dường như, đó là thế mạnh, là sự đáng yêu trong văn của anh.
Bùi Duy Phong viết như một sự giải nén những cảm xúc lòng mình, viết bằng sự vô tư trong niềm vui được san sớt. Anh trải lòng: “Mình viết văn không phải để trở thành nhà văn mà chỉ đơn giản là ghi lại cảm xúc từ những chuyện quanh mình, từ những va đập trong cuộc sống để chia sẻ cùng mọi người. Và khi còn xúc cảm, còn biết đau, biết thương, mình còn viết”.
NGÔ PHONG