Các chỉ tiêu tăng trưởng đều có cơ sở tin cậy và tính khả thi cao
Ðó là khẳng định của tân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long khi giải trình cụ thể về cơ sở đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 theo kiến nghị của các đại biểu HÐND tỉnh tại kỳ họp thứ 13, HÐND tỉnh khóa XII, vào sáng 6.12.
Căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, dự báo tình hình thế giới và trong nước năm 2021, UBND tỉnh xác định mục tiêu: Tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, tận dụng những cơ hội mới, nhất là xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, phấn đấu tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình so với cả nước. Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, hướng tới mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra là “Phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long giải trình tại kỳ họp. Ảnh: V. TRANG
Trong năm 2020, cùng với khó khăn chung của cả nước, Bình Định còn gặp nhiều trở ngại lớn khi các cơn bão số 9 và 13 đổ bộ vào tỉnh đã gây thiệt hại lớn về hạ tầng giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất khác. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển KT-XH. Do đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) cả năm chỉ tăng 3,61%, trong khi kế hoạch đề ra là 7 - 7,2%.
Phấn đấu thu ngân sách bằng mức Trung ương đề ra
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, kết thúc năm 2020, có thể nói thành công lớn nhất của tỉnh là đã phấn đấu thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra, dù tình hình kinh tế khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra liên tục. Tuy nhiên, năm tới dự báo kinh tế cả nước nói chung và của tỉnh Bình Ðịnh nói riêng vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức.
Do vậy, năm 2021, tỉnh xác định phấn đấu thu ngân sách bằng mức Trung ương đề ra là 10.563 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa dự kiến đạt 9.241 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu dự kiến đạt 790 tỷ đồng...
Tuy nhiên, Bình Định là một trong số ít địa phương ở khu vực miền Trung có tốc độ tăng trưởng dương và tăng cao hơn mức bình quân cả nước. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra (đạt 12.187 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra 23,6%), tổng kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD, hàng hóa thông qua cảng biển đạt trên 10 triệu tấn; đời sống nhân dân cải thiện đáng kể. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, kết quả đó có được từ nỗ lực rất lớn, đáng ghi nhận của các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trong tỉnh.
“Theo dự báo, hiện nay chất lượng tăng trưởng kinh tế cả nước từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Trung ương Đảng, Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững”, đồng chí Nguyễn Phi Long thông tin.
Bên cạnh đó, dù khó khăn do dịch bệnh và ảnh hưởng các đợt bão, lũ cuối năm làm cho kinh tế của tỉnh trong năm 2020 phát triển chậm, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tỉnh đã tập trung đầu tư và khánh thành một số dự án, công trình trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển trong năm tới và các năm tiếp theo. Điển hình là tuyến QL 19 mới (đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL 1), đường phía Tây tỉnh (từ TP Quy Nhơn đến Canh Vinh, huyện Vân Canh), đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài đến sân bay Phù Cát...
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết của kỳ họp. Ảnh: VĂN LƯU
Do đó, chúng ta xác định năm tới tốc độ tăng trưởng GRDP là 6,2 - 6,5%; trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản sẽ tăng 3,2 - 3,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 9,3 - 9,5%, dịch vụ tăng 5,9 - 6,3% là có cơ sở tin cậy và mang tính khả thi cao”, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Huy động mạnh nguồn vốn từ nhân dân, doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài
Trong năm 2021, dự kiến giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp sẽ đạt 9,4 - 9,6%. Mức tăng này theo tính toán là có cơ sở, dựa trên những yếu tố chính: Việc phát huy hết công suất của 17 nhà máy hiện có đóng góp khoảng 561 - 574 tỷ đồng; các dự án mới sẽ triển khai tại các địa phương trong năm 2021 đóng góp khoảng 298 - 305 tỷ đồng...
Riêng ngành xây dựng dự kiến sẽ đóng góp 462 - 473 tỷ đồng cho giá trị tăng thêm GRDP. Trong năm 2021, tỉnh tập trung huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển; với cơ chế chính sách và hình thức phù hợp để huy động mạnh nguồn vốn từ nhân dân, DN và đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự kiến huy động tăng 10% so với năm 2020. Do đó, năm 2021 giá trị tăng thêm của ngành xây dựng ở mức 9,1 - 9,3% là khả thi.
NGUYỄN VĂN TRANG