Hướng đi mới với cây ổi
Thời gian qua, một số hộ dân trong tỉnh đã chuyển đổi diện tích đất trồng cây keo, điều kém hiệu quả sang trồng cây ổi xen với các loại cây ăn trái khác như bưởi, xoài..., mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Các giống ổi đang được nhiều nông dân trong tỉnh chọn trồng là ổi nữ hoàng và ổi lê Đài Loan xuất xứ từ miền Tây Nam bộ, với ưu điểm phù hợp nhiều chân đất, cho thu hoạch sau khoảng 8 tháng trồng, trái to, giòn, ngọt, được thị trường ưa chuộng.
Hào hứng với mô hình mới
Tháng 8.2019, ông Phan Thế Nhân (ở thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) chuyển 5 sào đất trồng đậu phụng sang trồng 300 gốc ổi lê Đài Loan. Theo ông Nhân, trồng ổi ít tốn chi phí và công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều so với bắp, đậu phụng. Để cây ổi nhanh ra hoa, đậu trái, cần tạo tán và cắt bỏ các cành già cỗi, sâu bệnh, tạo sự thông thoáng cho vườn cây.
Một số hộ dân ở xã Tây An (huyện Tây Sơn) bắt đầu trồng ổi.
Sau nhiều năm trồng cây keo, cuối năm 2019, ông Bùi Thúc Thuận (ở thôn Đồng Quy, xã Tây An, huyện Tây Sơn) cải tạo khu vườn và chuyển sang trồng cây ăn trái. Trên diện tích hơn 2 ha đất đồi pha sỏi, ông Thuận trồng 500 gốc ổi nữ hoàng xen với 200 gốc bưởi da xanh. Ông chia sẻ: “Nhận thấy vùng đất của gia đình thích hợp trồng cây ăn trái, trong đó có cây ổi, tôi liền nhờ người thân mua và gửi giống ổi nữ hoàng từ tỉnh Bến Tre về trồng xen với cây bưởi, lấy ngắn nuôi dài”.
Dẫn tôi đi tham quan vườn ổi, bà Nguyễn Thị Ngọc, vợ ông Thuận, vui vẻ cho hay: “Ở địa phương, giống ổi này khá mới. Để có trái đẹp, không bị sâu, ruồi đục thì phải bao bọc cẩn thận bằng 2 túi, lưới xốp và ny lông trắng. Từ tháng 7 đến nay, gia đình tôi đã thu gần 4 tấn trái, thương lái mua với giá 20.000 đồng/kg, tiêu thụ chính tại chợ Bình Định (TX An Nhơn)”.
Ông Huỳnh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tây An, cho biết: “Ông Bùi Thúc Thuận là người tiên phong mang giống ổi nữ hoàng về trồng trên đất Đồng Quy. Thấy hiệu quả, một số hộ dân trong xã đến ông Thuận học hỏi làm theo. Hiện toàn xã có 5 hộ trồng ổi, tổng diện tích gần 4 ha. Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, UBND xã sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Sơn mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi”.
Phù hợp nhiều chân đất
Không chỉ ở Tây Sơn, nhiều hộ dân ở huyện Phù Mỹ, Hoài Ân cũng chọn trồng ổi, phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Phụng (ở thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) có gần 4 sào đất vốn trồng mì nay chuyển sang trồng ổi lê Đài Loan. Ông Phụng chia sẻ: “Trồng mì, đậu phụng cũng chỉ đủ chi phí đầu tư, chứ tính về kinh tế thì không hiệu quả. Tháng 2.2018 tôi trồng thử nghiệm 50 gốc ổi lê Đài Loan, do chưa nắm rõ kỹ thuật nên vườn ổi chậm phát triển, bị bệnh nấm rễ, chết sạch. Sau khi học hỏi thêm, đến tháng 11.2019, tôi tiếp tục trồng mới 200 gốc. Đến nay, vườn ổi xanh tốt và cho thu nhập khá. Tôi vừa trồng thêm 50 gốc ổi lê Đài Loan nữa”.
Bà Đặng Thị Loan, vợ ông Lê Văn Lưu (xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) thu hoạch ổi.
Tương tự, ông Lê Văn Lưu (ở thôn Văn Trường Tây, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) cũng chọn giống ổi lê Đài Loan trồng xen với xoài cát ba mùa, xoài tứ quý. Tháng 3.2019, ông trồng thử nghiệm 150 gốc ổi, thấy loại cây này thích hợp với thổ nhưỡng địa phương nên trồng thêm 150 gốc nữa. “Diện tích 2 vườn ổi gần 1 ha với 300 gốc đang phát triển tốt và cho thu nhập khá cao. Mỗi tháng tôi thu hoạch tầm 400 kg trái”, ông Lưu chia sẻ. Ngoài ra, ông Lưu còn chiết cành ổi bán giống. Đầu tháng 12.2020, ông bán 400 cây giống cho 2 hộ ở xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) và hiện đang chiết hơn 300 cành nữa.
Trồng 200 gốc ổi lê Đài Loan xen với 70 cây bưởi da xanh trên 1 ha đất đồi vốn trồng cây điều, ông Tống Vinh Quang (ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), chia sẻ: “Cây ổi rất dễ trồng và nhanh phát triển, phù hợp với chân đất Hoài Ân. Nhờ tôi áp dụng KHKT vào trồng trọt nên ổi cho năng suất cao, mỗi lần hái được khoảng 30 - 40 kg, cũng không đủ bán cho bà con trong xã, nhiều khi họ tìm đến tận vườn để mua”.
NGUYỄN ÐÌNH PHƯƠNG