Chế độ ăn hợp lý phòng bệnh dạ dày
Viêm dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra: Do vi rút, vi khuẩn và độc tố của chúng; do chế độ ăn uống, ăn thức ăn nóng quá, quá lạnh, cứng, khó tiêu, quá chua, cay, không nhai kỹ, ăn vội hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Ngoài ra, do uống rượu, trà đặc, cà phê đặc; do uống nhầm phải các chất ăn mòn như axit, kiềm, một số hóa chất có chì, thủy ngân có thể gây bỏng niêm mạc thực quản và dạ dày. Nguyên nhân nữa là do dùng các thuốc giảm đau chống viêm điều trị các bệnh khớp, có tác dụng phụ gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Những nhiễm khuẩn cấp như cúm, sởi, bạch hầu, thương hàn có thể gây viêm dạ dày. Người bị suy thận cũng rất dễ bị viêm dạ dày do ure máu tăng cao. Yếu tố tinh thần, các trạng thái trầm cảm, lo nghĩ, căng thẳng… là những nguyên nhân lớn, quan trọng gây tổn thương dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Thương, Khoa Nội tiêu hóa (BVĐK tỉnh), cho biết: “Đau dạ dày có những biểu hiện nóng rát và đau vùng thượng vị, chán ăn, ợ hơi, ợ chua, ăn không ngon miệng; có những triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh cảm thấy bần thần, khó chịu dẫn đến mất ngủ; nếu không được chữa trị kịp thời và dứt điểm sẽ dễ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như loét dạ dày, chảy máu dạ dày... Khi nhận thấy dấu hiệu bất ổn của dạ dày, cần đến cơ sở y tế để phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời”.
Việc điều trị đau dạ dày rất khó khăn và khả năng tái phát rất cao. Vì vậy, vấn đề tuân thủ điều trị và tránh xa những tác nhân gây bệnh dạ dày là điều vô cùng quan trọng. Khi đã bị bệnh, phải tái khám thường xuyên, tuyệt đối không được sử dụng một toa thuốc trong thời gian dài vì có thể gặp những tác dụng phụ khó lường.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc, vấn đề quan trọng không kém trong điều trị đau dạ dày là phải kiên trì điều chỉnh chế độ sinh hoạt khoa học, giảm căng thẳng toàn diện, tăng cường vận động và đảm bảo vệ sinh ăn uống.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)