Mạng ảo, họa thật
Các trường hợp trẻ em tử vong gần đây nghi do làm theo các thử thách nguy hiểm trên Youtube tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về an toàn của trẻ trên không gian mạng.
SOS!
Tối 21.11, V.P.L (8 tuổi, ở xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vào nhà vệ sinh để tắm. Khoảng 30 phút không thấy con ra, mẹ L. gọi cửa nhưng không thấy trả lời. Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện L. bất tỉnh trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc; cổ áo vướng trên móc treo quần áo. Gia đình liền đưa L. đi cấp cứu nhưng em không qua khỏi.
Nhiều bố mẹ cho trẻ chơi Ipad, điện thoại thông minh mà không có sự kiểm soát.
Gia đình cho biết, L. không có bệnh tật gì nhưng rất hiếu động. Thường ngày, khi chơi đùa L. thích móc áo, quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng, do học theo hướng dẫn “thử thách Momo” trên Youtube.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp họa vì những trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội. Cái chết của L. giống một bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh. Bé gái đã mất mạng khi làm theo video hướng dẫn của trò chơi “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên Youtube.
Ngày 6.10.2020, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ CA phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Mối họa từ “thử thách Momo” không phải là câu chuyện mới. Từ lâu, đã có rất nhiều lời cảnh báo về việc mạng xã hội xuất hiện nhiều video mang tên “thử thách Momo” có nội dung độc hại. Nhân vật Momo xuất hiện là một phụ nữ có hình dạng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi, điều khiển trẻ em tham gia vào các trò chơi, thử thách nguy hiểm. Và tột đỉnh nguy hại là những đứa trẻ sẽ tự làm tổn thương bản thân, rồi kết thúc bằng việc tự sát.
Đáng chú ý, nhiều phụ huynh đã quá tin tưởng vào bộ lọc của Youtube Kids mà không biết rằng Momo hoàn toàn có thể xuất hiện trong các video hoạt hình mà trẻ em ưa thích, chẳng hạn như câu chuyện về heo Peppa.
Đừng để trẻ cô đơn trên mạng
Có một thực tế ngày càng phổ biến là trẻ em phụ thuộc quá nhiều vào Ipad, điện thoại thông minh. Tại các quán cà phê, nhà hàng, dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ em dán mắt vào Ipad để “đỡ quấy rầy” người lớn. Ở nhiều gia đình cũng không khác là mấy. Chồng làm việc ở xa, một mình chị L.T.M. (ở TP Quy Nhơn) phải chăm 2 con nhỏ. Sau giờ học về nhà, bé trai (7 tuổi) ôm chiếc Ipad, còn bé gái (4 tuổi) không rời màn hình điện thoại. “Nấu ăn, giặt giũ, lau nhà... đủ thứ việc nên tôi cũng không còn cách nào khác, cũng chẳng mấy khi kiểm tra các con xem thứ gì trên mạng”, chị M. chia sẻ.
Ðối với người đưa các nội dung nhảm nhí, phản cảm lên mạng, mức phạt 10 - 20 triệu đồng (theo khoản 1, Ðiều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) là quá ít ỏi so với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi tháng từ tiền quảng cáo. Một số chủ tài khoản sẵn sàng chịu án phạt, tiếp tục đưa các nội dung thiếu lành mạnh lên mạng nhằm trục lợi.
Trong khi đó, nhiều nội dung độc hại trên Youtube không được kiểm soát chặt chẽ đang tiếp cận trẻ em. Mối nguy càng lớn với những em có biểu hiện thu mình hay có diễn biến tâm lý phức tạp, cô đơn, có các sở thích khác thường… Các em có thể “vượt qua chính mình” bằng những hành động nguy hại cho cơ thể, tính mạng. Do đó, cha mẹ không nên để mặc các con với điện thoại thông minh hay Ipad để chúng thoải mái xem các kênh Youtube. Thay vào đó, phải theo dõi, kiểm soát, xem cùng con để lựa chọn các chương trình phù hợp.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Định - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, các bậc cha mẹ và những người trực tiếp nuôi dưỡng nên thường xuyên để ý lời nói, cử chỉ, hành vi của trẻ, nhất là những trẻ thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội. Qua đó, phát hiện kịp thời những lời lẽ đe dọa tự sát hoặc hành vi đe dọa tự sát. “Đặc biệt, nếu phát hiện trẻ thường bận tâm đến những hình ảnh hướng dẫn tự sát, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị”, bác sĩ Định nhấn mạnh.
HOÀI NHÂN