Hội thảo về nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phộng
(BĐ) - Sáng 7.12, tại TP Quy Nhơn, Liên hiệp các Hội KHKT Bình Định tổ chức hội thảo đánh giá dự án “Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc của vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu (Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị) nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số”. Tham gia hội thảo có 50 đại biểu đến từ các sở, ngành của tỉnh; các cơ quan, hội đoàn thể, HTX, DN và nông dân của 3 huyện Tây Sơn và Phù Cát và Phù Mỹ.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.
Được thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP - GEF/SGP), dự án đặt mục tiêu: nâng cao năng lực chuỗi liên kết sản xuất đậu phộng (lạc) giữa DN, HTX nông nghiệp và nông dân (phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số); đồng thời, xây dựng liên kết chuỗi bền vững, hiệu quả từ sản xuất đậu phộng giữa các bên tham gia dự án trong tỉnh và liên tỉnh (Bình Định - Phú Yên - Quảng Trị).
Sau 1 năm thực hiện thí điểm tại huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), dự án thu hút sự tham gia của 250 người (50% là nữ) đến từ các DN, HTX nông nghiệp và các bên liên quan của 3 tỉnh; 900 lượt nông dân tham gia tập huấn; 3 mô hình liên kết chuỗi sản xuất đậu phộng đạt chuẩn VietGAP; 3 DN, HTX tham gia liên kết chuỗi sản xuất đậu phộng được xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tham gia dự án…
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả thực hiện các hoạt động của dự án; giới thiệu các chính sách về liên kết chuỗi nông sản, các bước xây dựng và chứng nhận sản phẩm OCOP địa phương; việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho DN, chính sách về khuyến khích phát triển và kết nối thị trường. Nhiều ý kiến đánh giá cao hiệu quả của dự án trong việc thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giúp các địa phương khác học tập để phát triển các mô hình chuỗi liên kết tương tự.
HỒNG HÀ