THANH TOÁN TRỰC TUYẾN Ở LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI TẠI CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA:
Nắm rõ, thành thạo, kịp thời và chính xác
Sáng 7.12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn về cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai đối với cá nhân, hộ gia đình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bình Định cùng với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tây Ninh là 4 địa phương đầu tiên trong cả nước được chọn để triển khai trước khi nhân rộng toàn quốc.
Công dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Định. Ảnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện nghĩa vụ tài chính
Lĩnh vực đất đai là lĩnh vực được rất nhiều người dân quan tâm. Các nhu cầu về cấp quyền chứng nhận sử dụng đất, sở hữu tài sản, chuyển nhượng… liên quan đến đất đai đòi hỏi phải giải quyết cặn kẽ, thấu đáo, đảm bảo quyền lợi của người dân; phù hợp và đúng quy định của pháp luật. Một trong những điểm vướng dẫn tới chậm, trễ các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai hiện nay là do việc kết nối dữ liệu giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường chưa thông suốt, dẫn tới việc xác định nghĩa vụ tài chính kéo dài, thời gian trả kết quả hồ sơ bị chậm.
“Tổng cục Quản lý Ðất đai đã hoàn thành Ðề án kết nối cơ sở dữ liệu giữa ngành Tài nguyên với ngành Thuế trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính đất đai. Những góp ý tại hội nghị của đại biểu tỉnh Bình Ðịnh - một trong 4 địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm thanh toán trực tuyến lĩnh vực này được chúng tôi tập hợp đề xuất để Ðề án hoàn thiện hơn, gỡ khó các vướng mắc lâu nay”.
Ông TRẦN DUY HẠNH, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Cơ sở dữ liệu đất đai (Tổng cục Quản lý Đất đai)
“Thanh toán trực tuyến là khâu cuối cùng trong toàn bộ quá trình tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đất đai. Muốn thanh toán trực tuyến thì yêu cầu quan trọng là phải liên thông dữ liệu. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn giữa hai cơ quan Thuế và TN&MT sớm thống nhất, hoàn thiện kết nối, phân cấp quản lý để các đơn vị ở địa phương triển khai”.
Ông PHẠM MINH HẢI, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Quy Nhơn
Đến nay, tại tỉnh Bình Định vẫn chưa thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu đất đai. Lấy việc thí điểm thanh toán để tạo nền tảng thúc đẩy các lĩnh vực khác; nhằm đảm bảo đến ngày 12.12, có thể thực hiện tốt trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, từ nhiều ngày trước, UBND tỉnh đã phối hợp với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Tổng cục quản lý đất đai (Bộ TN&MT), Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức chuẩn bị cho đợt tập huấn nghiệp vụ liên quan.
Ông Trần Duy Hạnh, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Cơ sở dữ liệu đất đai (Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ TN&MT), hướng dẫn: “Với địa phương chưa liên thông cơ sở dữ liệu đất đai như Bình Định, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai phải tạo tài khoản trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhập các thủ tục theo thao tác để tra cứu hồ sơ, nhận chứng thực và trả kết quả cho người dân. Toàn bộ các hướng dẫn này được bộ phận hỗ trợ của Cổng Dịch vụ công quốc gia tư vấn khi triển khai”.
Phía Tổng cục Thuế, báo cáo viên liên quan trình bày cụ thể, hướng dẫn, trong điều kiện chưa liên thông toàn diện, khi nhập thông tin để thực hiện, cán bộ phụ trách có trách nhiệm hướng dẫn công dân điền đầy đủ thông tin, số điện thoại xác nhận để nhận tin nhắn liên quan tới hồ sơ hoàn thiện; thanh toán trực tuyến.
Ông Lê Ngọc An, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết: “Bình Định một trong 4 tỉnh được chọn triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai. Cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên môi trường dưới sự điều phối của UBND tỉnh chủ động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đến ngày bấm nút kết nối triển khai đảm bảo phải thông suốt, liền mạch. Chính vì thế, buổi tập huấn có tính “cầm tay chỉ việc này” nhằm tạo điều kiện để các cán bộ công chức trực tiếp thực hiện, tiếp nhận hồ sơ nắm rõ và thành thạo việc triển khai ở địa phương sao cho kịp thời và chính xác”.
Hội nghị tập huấn về cung cấp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai sáng 7.12.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Từ tháng 12.2019, Cổng Dịch vụ công của tỉnh Bình Định đã kết nối thành công với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Văn phòng Chính phủ đã kiểm thử, tích hợp 183 dịch vụ công trong tổng số danh mục 272 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đáp ứng được tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 30% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp nền tảng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo việc thanh toán các khoản phí, lệ phí trực tuyến đối với các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Theo đó, tổ chức, cá nhân có thể thanh toán trực tiếp qua các ngân hàng đã kết nối, tích hợp với nền tảng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời đa dạng hóa giải pháp thanh toán qua các tổ chức trung gian như: VNPT Pay, Ngân lượng, MoMo. Tuy nhiên, lượng giao dịch và giá trị thanh toán trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh còn thấp; thống kế cho biết từ tháng 12.2019 đến nay chỉ có 74 giao dịch thành công với tổng số tiền thanh toán khoảng 7,1 triệu đồng.
Nguồn: BTV
Ông Trần Đình Lợi, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), đánh giá: “Bình Định đang thực hiện rất tốt trong cải cảch thủ tục hành chính, đặc biệt là thực hiện lĩnh vực dịch vụ công. Để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, theo tôi, các khoản phí, lệ phí nằm trong thẩm quyền, HĐND tỉnh nên xem xét miễn, giảm để khuyến khích người dân. Nên hiểu là chúng ta phải phục vụ người dân những sản phẩm tốt nhất, đa dạng, phù hợp với dân; có vậy người dân mới tin dùng”.
THU DỊU