Vạn Trung Nam và những sắc phong quý giá
Vào thế kỷ XIX, vạn Trung Nam, ở thôn Kim Giao Trung, xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn đã vinh dự được các vị vua triều Nguyễn ban cho nhiều sắc phong, được phép lập lăng phụng thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần - vị thần cứu hộ trên biển của ngư dân (thường được gọi vắn tắt là lăng Ông Nam Hải). Theo ông Nguyễn Hữu Phùng, chánh bái tại vạn Trung Nam, đa số ngư dân ven biển khác, họ tin rằng ông Nam Hải (tức cá voi) là vị thần cứu tinh của ngư dân những lúc gặp rủi ro, bất trắc khi lao động trên biển. Do đó, khi ông lụy vào bờ sẽ được ngư dân làm các nghi lễ chôn cất, để tang, đưa vào lăng thờ cúng bài bản như tín ngưỡng. Vạn Trung Nam đã có từ lâu đời, trong số các bản sắc phong còn lại đến nay, sắc phong sớm nhất là vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), như vậy có thể hình dung từ trước đó khá lâu đã có vạn chài này rồi.
Lăng Ông Nam Hải ở vạn Trung Nam, thôn Kim Giao Trung, xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn.
Ông Ngô Nọ, Trưởng vạn Trung Nam, cho biết: “Sau khi chôn cất vài năm ngư dân sẽ làm lễ bốc cốt đưa vào lăng; nếu địa phương ấy chưa có lăng, dân sẽ chung sức xây lăng. Tại vạn Trung Nam. Sau hàng trăm nay gìn giữ, hiện còn giữ được rất nhiều bộ cốt ông!”.
Nói về các sắc phong được vua ban cho vạn, ông La Ngọc Ửng ở thôn Kim Giao Nam, nói: “Ngày trước khi theo cha vào vạn để dọn dẹp, tui thường được nghe các cụ cao niên phụ trách cai quản vạn kể rằng khi xưa số sắc phong vua ban có tới khoảng 14 - 15 bản, nhưng thời gian nên đã bị thất lạc, hư hỏng đi nhiều. Nay chỉ còn 9 bản, trong đó có 7 còn có thể đọc được tương đối trọn vẹn.
Để giúp cho nhân dân địa phương hiểu được ý nghĩa các sắc phong, bồi trúc lòng tự hào về quê hương, tình thần đoàn kết, ban đại diện vạn Trung Nam đã cho dịch nghĩa được 7 sắc phong. Trong đó, sắc phong vua ban năm Đồng Khánh thứ 2 (tức năm 1886) có đề: “Sắc phong ban cho bốn vị thượng đẳng thần Nam Hải hàm hoằng quang đại chí đức phổ bác hiển hóa trang huy dực bảo trung hưng đại càn quốc gia đã có công giúp nước phò dân. Các thần từng được ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Nay theo mệnh sáng, Trẫm nghĩ đến công ơn của thần, phong là Thượng Đẳng Thần Dực Bảo Trung Hưng, chuẩn cho thôn Kim Giao, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định thờ phụng như cũ. Kính thay!”.
Song song với việc phụng thờ, theo thỏa thuận với các vạn khác trong xã, cứ 4 năm một lần, vạn Trung Nam sẽ tổ chức lễ hội cầu ngư, để cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn được mùa, củng cố khối đoàn kết trong lúc hành nghề trên biển. Ông La Nép ở thôn Kim Giao Nam, cho biết: “Việc thờ cúng các thần là tín ngưỡng truyền thống được duy trì hàng trăm năm qua. Các hoạt động có liên quan từ đây đều hướng tới mục đích giúp đoàn kết cộng đồng dân cư, thúc đẩy cùng nhau phát triển để đời sống ngày một tốt đẹp hơn”. Với nhiều giá trị như vậy, lăng Ông Nam Hải Vạn Trung Nam đã được lập hồ sơ, đề nghị xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
ÁNH NGUYỆT