Thợ câu ven bờ
câu cá là thú vui giải trí của nhiều người, nhưng lại là kế sinh nhai của không ít ngư dân. Trời lặng hay động thì những ngư dân - thợ câu ấy vẫn ra biển và sống được với nghề.
Có nhiều cách câu cá, như: câu cần, câu dòm (bơi trên mặt nước dùng kính lặn quan sát đàn cá, dùng ống câu để câu), câu thúng (sử dụng thúng chai để di chuyển, dùng ống câu); song, nghề câu cần, câu thúng phổ biến nhất. Chỉ với bộ đồ nghề đơn giản, gồm: Cần câu, ống câu, cước, lưỡi câu, mồi câu, ngư dân có thể chọn câu tại các gành đá, bến cảng cá hoặc bơi thúng để câu tại các vùng rạn ven bờ, làm túc tắc nhưng thu nhập ổn định.
Lão ngư Nguyễn Đức Bản, ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) chuẩn bị đồ nghề đi câu.
Ông Nguyễn Đức Bản, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đến tuổi thanh niên là chọn nghề câu để mưu sinh. Ròng rã như vậy hơn 50 năm qua, đến giờ dù ông không còn đủ sức khỏe để lên thuyền ra biển xa, nhưng ông vẫn xách cần đi câu mỗi ngày để đỡ nhớ biển, cũng là để kiếm tiền tiêu hằng ngày. Ông Bản, thổ lộ: “Đi câu là phải đón biết con nước, hướng gió để neo thúng và thả câu với việc dùng cước, lưỡi câu, móc mồi câu phù hợp. Nhiều loại cá như tà ma, cá dìa, cá chan khi thấy dây cước là chúng không cắn câu, nên mình phải lựa con nước mới câu được chúng. Giờ đây tôi chuyên nghề câu thúng, ngày câu 2 - 3 giờ thôi nhưng nhiều hôm cũng kiếm được 300 - 500 nghìn đồng, có bữa câu trúng cá lớn kiếm cả triệu đồng”.
Ngày thường ông Phạm Văn Hải, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) làm nghề phụ hồ, mùa đông ít việc là ông lại mang cần xuống cảng cá Quy Nhơn câu. Vừa buông cần, ông Hải bộc bạch: “Câu cá ven bờ đơn giản lắm, chỉ cần sắm một cần câu bằng trúc, hoặc cần xếp nhân tạo dài chừng 4 - 5 m, thêm một ít lưỡi câu, cước câu, chì kẹp, phao ganh, chi phí trọi trơn chừng 500 nghìn đến 1 triệu đồng là có thể sử dụng nhiều năm. Câu ở đây chủ yếu là cá dìa, cá đối nên sử dụng mồi là cơm xay nhuyễn. Câu cá phải kiên nhẫn, có hôm tôi ngồi cả ngày chỉ câu được vài ba con cá đủ nấu, có hôm câu được nhiều cá đem bán cũng kiếm được 100 - 200 nghìn đồng!”.
Theo nhiều ngư dân làm nghề câu, mùa hè biển êm, nước biển trong nên để câu cá hiệu quả phải dùng phương pháp câu chạy (dùng thúng chai hoặc thuyền máy di chuyển trên biển) cho cá không thấy dây cước, con mồi xoáy theo nước như còn sống cá dễ mắc câu. Ngày biển động, nước biển đục, có dòng xoáy nên chỉ cần neo thúng hoặc thuyền một chỗ để câu.
Bến cá xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) là nơi nhiều “cần thủ” tìm đến câu cá.
Ông Nguyễn Văn Cứ, ở thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), là “cần thủ” làm nghề hơn 20 năm, cho biết: “Tùy theo mùa câu và kích cỡ các loại cá mà mình sử dụng lưỡi câu phù hợp để tóm dây câu. Như mùa hè thường câu cá nhỏ chỉ cần dùng lưỡi nhỏ cỡ số 5 - 6, mùa biển động nước xoáy hơn thì phải dùng lưỡi lớn số 3 - 4 để câu cá lớn, như cá thu, cá mú… Câu cá mùa biển động phải có kinh nghiệm trong khâu xử lý bộ đồ câu đến quá trình thả câu, kéo câu mới hiệu quả, nhất là việc tóm lưỡi câu phải đúng kỹ thuật mới đảm bảo không bị sút khi gặp các loại cá lớn. Nghề câu cá ven bờ thu nhập ổn định, có ngày tôi kiếm được tiền triệu đồng đấy”.
Từ nghề câu cá, ngư dân đã phát triển thành nghề bủa câu (là kiểu dùng lưỡi câu thả thành hàng ngang chạy dài trên biển như đánh lưới) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lê Văn Bé, ở Hải Minh Ngoài, phường Hải Cảng, làm nghề bủa câu, cho biết: “Nghề này chuyên đánh bắt cá lớn. Mỗi lần ra biển, tôi thả một nẹp câu với 100 lưỡi câu kích cỡ lưỡi số 8 móc mồi cá nục sống. Dây câu được thả xuống biển tầm 4 - 5 giờ là thu câu. Mùa hè chuyên câu cá cờ kiếm, cá dũa; mùa đông câu cá thu, cá ngừ sọc dưa, thu nhập ổn định”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN