Làm từ thiện qua mạng xã hội
So với cách làm từ thiện trước đây là gặp gỡ, quyên góp trực tiếp thì cách làm từ thiện qua mạng (đăng tải bài viết kêu gọi sự giúp đỡ cùng hình ảnh thực tế trên facebook, zalo) thu hút nhiều người quan tâm hơn; việc trao đổi, phản hồi thông tin qua mạng cũng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi hơn.
Vậy nên, những năm qua, hoạt động làm từ thiện qua mạng không ngừng phát triển rộng khắp. Riêng từ đầu năm đến nay, các hội, nhóm thiện nguyện trong tỉnh đã huy động qua mạng hàng tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
Lan tỏa, gieo mầm thiện
Đầu năm 2020, tình cờ đọc trên facebook Dung Vespa (Trưởng Nhóm thiện nguyện Dung Vespa Quy Nhơn) lời kêu gọi giúp đỡ một gia đình ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) bị lửa thiêu rụi nhà ở, khiến con gái 5 tuổi tử vong, chị Nguyễn Ngọc Lan (TP Quy Nhơn) liền chuyển khoản 1 triệu đồng vào số tài khoản đăng trong facebook để giúp gia đình này. Từ đó đến nay, thi thoảng thông qua facebook Dung Vespa, chị tin tưởng gởi tấm lòng của mình đến những người cần được giúp đỡ. Bạn bè chị thấy vậy cũng an tâm làm theo chị.
Cộng đồng mạng làm từ thiện không phân biệt địa giới hành chính. Đôi ba lần đọc trên facebook về những hoàn cảnh khốn khó ở tỉnh Gia Lai, tỉnh Quảng Ngãi, chị Lan vẫn chuyển khoản hỗ trợ họ. Cuối tháng 10 vừa qua, chị cùng nhiều bạn bè đã quyên góp gởi tiền đến một số facebook làm từ thiện để họ tổ chức đi cứu trợ người dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ, sau đó đến người dân trong tỉnh. Chị Lan tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng ngại việc góp tiền trên mạng, sợ bị lừa. Tuy nhiên, sau thời gian thường xuyên vào một vài facebook kêu gọi từ thiện, xem các hoạt động của họ, tôi thấy tin tưởng. Đến giờ thì hoàn toàn yên tâm gởi tấm lòng mình qua một số facebook lâu nay thường phối hợp”.
Cộng đồng mạng làm từ thiện không phân biệt tuổi tác, tiền nhiều, tiền ít. Thầy Thích Vạn Lực, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Sen Việt (huyện Tuy Phước) phấn khởi cho biết, dạo gần đây, facebook của Chi hội và facebook cá nhân thầy (tên facebook là Lá Lúa) thu hút sự quan tâm của kha khá nhà hảo tâm nhí. Mới tuần trước, ba học sinh cấp 1, cấp 2 đã đập heo đất, gởi tặng toàn bộ số tiền tiết kiệm từ Tết đến nay để giúp thầy mua xe chuyển viện bệnh nhân nghèo. Trước đó, một số học sinh gởi đến thầy 20.000 đồng, 50.000 đồng để giúp bệnh nhân nặng. “Những việc làm như vậy đang góp phần gieo mầm “thiện nguyện” trong các em từ nhỏ, thái độ sống biết quan tâm, chia sẻ với nỗi đau của người khác”, thầy Thích Vạn Lực cho hay.
Tạo niềm tin, nhận niềm vui
Để đáp lại sự tin tưởng của nhà hảo tâm, các hội, nhóm thiện nguyện làm từ thiện qua mạng luôn tuân thủ đúng kế hoạch đã đề ra. Sau mỗi chương trình, nhóm đăng tải danh sách nhà hảo tâm cùng toàn bộ các khoản chi phí và hình ảnh minh chứng sống động, cụ thể. Là một trong những chi hội bảo trợ bệnh nhân nghèo đi đầu trong công tác vận động nguồn lực, Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tương chao đậu hũ 3 (huyện Phù Cát) luôn có cách làm bài bản, khoa học, tạo được niềm tin với nhà hảo tâm. Chi hội trưởng Tô Thị Thu Nguyệt cho biết, làm từ thiện qua mạng điều quan trọng nhất là tin tưởng nhau. Một số người ủng hộ Chi hội gần chục năm qua nhưng bà Nguyệt chưa từng biết mặt. Bà Nguyệt chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên gọi điện, nhắn tin, chat qua facebook, zalo nhưng chỉ nghe giọng nói, xưng hô với nhau qua cái tên trên mạng xã hội. Một vài người cho biết mình là dân Bình Định hay đồng hương Phù Cát với tôi, vậy thôi. Vậy mà, tôi làm chương trình nào bị thiếu kinh phí, gọi họ là họ hỗ trợ ngay. Thi thoảng, họ chủ động nhắn tin cho tôi, nhờ xác minh một vài trường hợp để gởi tiền giúp đỡ”.
Làm từ thiện qua mạng cũng có nhiều niềm vui bất ngờ. Anh Nguyễn Hữu Đảo (Nhóm thiện nguyện xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) cho biết, trong đợt đi cứu trợ người dân các tỉnh miền Trung, nhóm nhận được hàng chục triệu đồng từ nhà hảo tâm trên mạng mà không hề biết họ là ai. Có người chuyển tiền còn kèm theo lời dặn dò các thành viên trong nhóm giữ gìn sức khỏe để giúp người dân vùng lũ lâu hơn. “Nghe rất ấm áp, chân tình như người thân quen, ruột rà vậy, khuyến khích anh em chúng tôi nỗ lực vượt mọi khó khăn để hỗ trợ người dân tốt nhất”, anh Đảo nhớ lại. Bên cạnh niềm vui huy động được khoản kinh phí khá lớn, đoàn cứu trợ người dân miền Trung của Chi hội Sen Việt còn có niềm vui bất ngờ khi một số nhà hảo tâm ở tỉnh Quảng Ngãi đọc trên mạng, biết lịch trình đoàn di chuyển, đã chờ đón, tiếp tế đồ ăn tối cho các thành viên. Ra đến tỉnh Quảng Bình, Chi hội phân phát hết đồ cứu trợ mang theo nhưng thấy còn nhiều người cần giúp nên tiếp tục đăng kêu gọi trên mạng xã hội, thế là mỗi ngày nhận hàng chục tin nhắn chuyển tiền, kéo dài chuyến cứu trợ đến hết ngày thứ 9.
Làm từ thiện qua mạng cũng có nhiều bức xúc. Tuần trước, chị Dung Vespa hết sức bất bình khi phát hiện một fanpage lấy bài viết từ hơn 1 năm trước của chị để đăng tải, xin tiền. “Mọi người hãy hết sức cảnh giác để không bị lừa. Các nhóm từ thiện lừa đảo thường đăng tải các hoàn cảnh thương tâm của trẻ em - đây là đối tượng dễ có được sự thương cảm của mọi người nhất”, chị Dung Vespa nhắn nhủ.
NGỌC TÚ