Tuy Phước tập trung tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên
Những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Tuy Phước luôn chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên; nội dung, hình thức đa dạng, phong phú và có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, các quy định pháp luật mới liên quan đến thanh thiếu niên được triển khai kịp thời, giúp thanh thiếu niên tiếp cận, tìm hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Hội thi tìm hiểu pháp luật được xã Phước An (huyện Tuy Phước) tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa.
Theo Phòng Tư pháp huyện Tuy Phước, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân nói chung, thanh thiếu niên (TTN) nói riêng được các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt, hoạt động PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho TTN được UBND huyện không ngừng chú trọng nhằm giáo dục chính trị - tư tưởng - đạo đức - lối sống cho đối tượng này.
Trong 4 năm từ 2017 - 2020, UBND huyện Tuy Phước tổ chức 9 hội nghị tập huấn các văn bản luật mới cho 1.280 lượt cán bộ làm công tác PBGDPL. Phòng Tư pháp, CA huyện và các phòng, ban chức năng của huyện tổ chức 10 hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật về TTN cho 850 lượt cán bộ đoàn các cấp.
Tổ chức mở 67 lớp giáo dục pháp luật cho 1.159 TTN vi phạm pháp luật và TTN lầm lỡ tại cộng đồng. Nội dung chủ yếu tập trung vào quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, xử phạt vi phạm hành chính, ATGT… Qua đó, giúp các đối tượng nhận ra sai lầm để khắc phục, sửa chữa, trở thành công dân tốt.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, PBGDPL cho giáo viên và học sinh thông qua nhiều hình thức, như: Sinh hoạt ngoại khóa, thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt pháp luật… Ban ATGT huyện Tuy Phước phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện tổ chức 19 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật về ATGT, bạo hành trẻ em, bình đẳng giới với sự tham gia của hơn 62.400 lượt học sinh.
Ngoài ra, các ban, ngành của huyện Tuy Phước còn tổ chức truyền thông nhiều hình thức khác mang lại hiệu quả tích cực trong công tác PBGDPL cho TTN trên địa bàn huyện. Đơn cử như hình thức phiên tòa giả định, diễn đàn trẻ em và thanh niên với văn hóa giao thông, nói chuyện chuyên đề pháp luật…
Mặt khác, hình thức sinh hoạt CLB, chi hội, nhóm, đội giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư giúp TTN nắm bắt các chính sách pháp luật, quyền và nghĩa vụ liên quan. Thông qua các cuộc vận động “gia đình, họ tộc không vi phạm pháp luật”; “khu dân cư không tội phạm” cũng đã góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong TTN.
Ông Tô Minh Chánh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tuy Phước, cho biết: Triển khai Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho TTN giai đoạn 2017 - 2020”, UBND huyện thực hiện đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 10.2020, 85% TTN sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú; 100% TTN trong trường học; 90% TTN vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật. Tổ chức 25 buổi tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 2.420 lượt đoàn viên, thanh niên nông thôn. Tổ chức tư vấn cho 250 lượt người tìm hiểu pháp luật để xuất khẩu lao động ở nước ngoài…
“Các cấp, các ngành, địa phương quan tâm triển khai, nhân rộng các mô hình và hoạt động có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho TTN. Nổi bật như mô hình hội thi tìm hiểu pháp luật của học sinh trong nhà trường; các phiên tòa giả định; CLB, đội, nhóm giúp nhau tìm hiểu pháp luật; hình thức sân khấu hóa… đã thu hút ngày càng đông đảo người dân, TTN tham gia”, ông Chánh cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, đánh giá: Từ năm 2017 đến nay, công tác PBGDPL cho TTN trên địa bàn huyện được thực hiện hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu đề ra. Các cấp ủy đảng và chính quyền luôn chú trọng công tác PBGDPL cho TTN; tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các quy định pháp luật mới liên quan đến TTN được triển khai kịp thời đến từng đối tượng, từng địa bàn. Nhờ đó, nhận thức pháp luật ở TTN có chuyển biến tích cực; họ ý thức hơn về vị trí, vai trò của mình trong việc tham gia tìm hiểu pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống.
Bài, ảnh: VĂN LỰC