Tây Sơn: Tăng giá trị sản xuất từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Thời gian qua, huyện Tây Sơn đã thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng; chú trọng sản xuất theo chuỗi, ổn định đầu ra cho sản phẩm... Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Mô hình sản xuất đậu phụng gắn với liên kết chuỗi tại xã Bình Thuận.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất
Xã Tây Giang từng là thủ phủ của cây mía của huyện Tây Sơn, nhưng người trồng mía từng đau đầu đầu ra mỗi mùa vụ thu hoạch, hay thấp thỏm lo âu mía bán rồi không biết lúc nào mới lấy được tiền. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 50 ha trồng mía sang các loại cây trồng cạn như đậu phụng, mè, bắp, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần. Đặc biệt, vụ 3 năm 2020 vừa qua, HTXNN Thượng Giang (xã Tây Giang) phối hợp Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai sản xuất 5 ha bắp, giống bắp ngọt mới cho lợi nhuận gần 8 triệu đồng/ha, toàn bộ sản phẩm được bao tiêu thu mua.
Chuyển 5 sào đất cát trồng lúa kém hiệu quả và nguồn nước tưới bấp bênh ở đồng Chùa Từng (thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận) sang trồng đậu phụng, gia đình ông Mai Văn Thời thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/sào/vụ, trừ các chi phí thì lãi còn 1 - 1,5 triệu đồng/sào/vụ. “Trước đây, 5 sào đất trồng lúa gần như chỉ là lấy lúa làm gạo ăn, còn giờ chuyển đổi sang trồng đậu phụng, cứ 3 tháng thu hoạch, gia đình tôi có 15 triệu đồng. Không riêng gì tôi, bà con ở đây đều chuyển đổi sang trồng đậu phụng, khá lên rất nhanh”, ông Thời phấn khởi nói.
Đến nay, huyện Tây Sơn đã thực hiện chuyển đổi trên 350/600 ha đất mía và 267/400ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây đậu phụng, mè, ớt, bắp, rau - đậu các loại, bưởi, cỏ chăn nuôi… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa trên cùng chân ruộng, cùng diện tích. Mặt khác, đối với diện tích đất gò, đất cao, việc chuyển sang trồng các loại cây họ đậu, cây bắp còn giúp nâng cao độ phì nhiêu của đất, là giải pháp quan trọng để thích ứng sản xuất trong điều kiện nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Tây Sơn còn chú trọng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đến nay, người dân đã ứng dụng nhiều máy móc vào phục vụ sản xuất như máy trỉa đậu, máy thu nhổ, máy tuốt đậu phụng...; hệ thống tưới nước tự động, giảm bớt công tưới, nước phun đều, đủ độ thấm mà đất trồng lại tơi xốp.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất
Không chỉ ưu tiên mở rộng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện đất đai, thời tiết, huyện Tây Sơn cũng đang hình thành các cánh đồng lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như trồng lúa chất lượng cao, trồng bắp lấy thân cho bò, sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP...
Ông Trần Văn Liên, một người dân trồng hơn 7 sào bắp lấy thân ở xã Tây Bình, chia sẻ: “Giống bắp được trang trại bò sữa Bình Định (xã Nhơn Tân, TX An Nhơn) cung cấp, đến vụ thu mua công ty mới tính tiền. Gia đình tôi không phải lo về giống, lại có đầu ra ổn định cho sản phẩm… Hàng chục hộ dân trong vùng cũng đã chuyển gần 70 ha trồng mía trước đây sang trồng bắp. Ổn định đầu ra cho sản phẩm, bà con nông dân yên tâm sản xuất”.
Tại Bình Thuận, trong số hơn 540 ha trồng đậu phụng có gần 100 ha được chuyển đổi từ chân đất trồng lúa kém hiệu quả. Xã cũng đang xây dựng kế hoạch mời gọi DN tham gia đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất đậu phụng thương phẩm 5 ha tại cánh đồng Thuận Nhứt. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết: Địa phương cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ cho Cơ sở sản xuất dầu phụng Thành Mười xây dựng nhãn hiệu “Dầu đậu phụng Bình Thuận”.
Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân. Trước mắt, năm 2021, chúng tôi sẽ phối hợp DN tổ chức các chuỗi sản xuất cho lúa thương phẩm (Tây Bình), bắp ngọt (Tây Giang), đậu phụng (Bình Thuận), đinh lăng (Tây Phú). Huyện cũng xây dựng, nâng cao cánh đồng mẫu lớn, mở rộng cánh đồng liên kết, làm tiền đề quan trọng để tạo ra vùng nguyên liệu lớn cho sản phẩm nông nghiệp ở Tây Sơn”.
ĐINH NGỌC