Chuyện của Thơm
Lần đầu tiên, Hội Người mù tỉnh cử hội viên tham dự Hội thi Tin học dành cho người mù toàn quốc và Ðào Văn Thơm, quê huyện Vân Canh, hiện đang học lớp 12 tại Mái ấm Thiên Ân (TP Hồ Chí Minh) đã xuất sắc đạt giải nhì.
Hội thi Tin học dành cho người mù toàn quốc do Hội Người mù Việt Nam tổ chức lần thứ II vào ngày 2.12 nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật, có 43 thí sinh các tỉnh, thành trong nước tham dự. Ban tổ chức đã trao 3 giải nhất, 5 giải nhì, 6 giải ba và 28 giải khuyến khích cho các thí sinh.
Ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, chia sẻ niềm vui đạt giải nhì toàn quốc cùng Thơm. Ảnh: Hội Người mù tỉnh
Vượt qua bóng tối
Thơm là con thứ ba trong một gia đình có đến 4 người khiếm thị (gồm mẹ, anh trai lớn, Thơm và em trai út). Mọi gánh nặng mưu sinh trút lên vai người cha sáng mắt nên từ nhỏ Thơm đã sống trong cảnh cơ cực, thiếu trước hụt sau. Học hết lớp 4 ở quê nhà, Thơm được người quen giới thiệu vào Mái ấm Thiên Ân. Lần đầu tiên xa nhà, Thơm lo sợ lắm. Rồi cũng lần đầu tiên đặt tay lên bộ chữ nổi, Thơm nghĩ trong đầu làm sao học cho được đây. Nhờ thầy cô hướng dẫn những nguyên tắc, Thơm thấy mọi việc dễ dần. Thế nhưng, suốt quãng thời gian từ lớp 6 đến lớp 11, không ít lần Thơm tính bỏ ngang để đi làm kiếm tiền. Nhưng rồi, ba mẹ, thầy cô động viên, khích lệ, Thơm lại bước tiếp trên con đường học vấn. “Có những lúc vượt qua được rồi, nhìn lại, không biết vì sao lại có thể vượt qua được. Đến năm học lớp 11, tôi mới xác định rõ ràng đường hướng của mình. Vậy là không lăn tăn gì nữa và ra sức học tập, hướng tới tương lai”.
Ông Nguyễn Hùng Thanh, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết, sự nỗ lực để đạt được thành tích này của Thơm đang là động lực để các bạn trẻ khiếm thị nhìn vào, noi theo. Việc dạy tin học cho người mù trong tỉnh lâu nay luôn là mong muốn của Hội, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn. “Lợi ích của việc biết tin học với người mù là rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho họ khẳng định bản thân, tìm kiếm việc làm, hội nhập xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác, học tập và cải thiện chất lượng cuộc sống”, ông Thanh nói.
Thơm đang học lớp 12 nhưng đã 24 tuổi bởi thời gian đầu chuyển vào Mái ấm Thiên Ân, Thơm phải học lại từ lớp 1. Cậu dí dỏm cho biết, nhiều tuổi nhất trong lớp nên cũng phải ráng đạt nhiều thành tích học tập nhất lớp. Chỉ trừ năm lớp 8, những năm học còn lại Thơm luôn là học sinh giỏi. Ngoài ra, Thơm còn tích cực tham gia các phong trào TDTT, từng đạt huy chương nội dung bơi lội, cờ vua tại một số giải thể thao trẻ của TP Hồ Chí Minh và toàn quốc.
Vươn tới ước mơ
Kể chuyện lần đầu tham dự hội thi Tin học dành cho người mù toàn quốc, Thơm bảo mình bị áp lực về thời gian, tâm lý, dẫn đến một số sai sót không đáng có. “Chính vì vậy, hôm công bố giải, nghe được xướng tên nhận giải nhì, tôi khá bất ngờ. Ban giám khảo thông báo, bài làm của tôi đạt 92/100 điểm, lọt vào tốp thí sinh có tổng số điểm trên 9 chấm của hội thi”, Thơm phấn khởi cho hay.
Không chỉ bản thân Thơm, một số bạn bè, người quen hay tin này cũng bị sốc, bởi nghĩ rằng anh khó có thể vượt qua thí sinh ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đã đầu tư nhiều cho đội tuyển của họ. Trò chuyện về mơ ước, cậu học sinh khiếm thị bảo muốn trở thành một giáo viên dạy âm nhạc. Không mộng tưởng hão huyền, anh đã vạch hẳn một kế hoạch tương lai cho mình, trước mắt là thi đỗ vào ngành Sư phạm âm nhạc của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Với mong muốn trở thành người thầy giỏi, hiện tại, Thơm dành một số buổi tối trong tuần để hướng dẫn một số bạn trẻ khiếm thị học nhạc bằng chữ nổi. Anh còn lập một kênh youtube riêng, nhờ người quen sáng mắt quay clip những bài giảng về âm nhạc và đăng tải lên vì không chỉ muốn dạy nhạc cho người khiếm thị mà còn dạy cho cả người sáng mắt. Sau gần hai tháng, kênh youtube có khoảng 200 người theo dõi và bình luận những clip. Anh nghiêm túc tiếp thu và tích cực chỉnh sửa những điều hợp lý để mọi người dễ hiểu những bài giảng của mình hơn. Anh dự tính sang năm tới nếu đỗ vào đại học, sẽ vừa đi học vừa đi dạy nhạc để kiếm tiền tự lo cho bản thân.
“Tôi nhận ra người mù nếu có nghị lực, cố gắng cũng có nhiều sự lựa chọn cho tương lai: Đi học nghề, đi làm kiếm tiền, ổn định cuộc sống. Một số người muốn theo con đường học vấn như tôi cũng luôn có cơ hội vào đại học, ra trường có việc làm. Điều quan trọng là bản thân phải xác định được đường hướng và nỗ lực làm cho được. Như tôi cũng từng hoang mang, mù mịt nhưng giờ đã nhìn thấy con đường tương lai, thậm chí đang muốn nếu có điều kiện sẽ học tiếp lên những trình độ cao hơn”, Thơm trải lòng.
NGỌC TÚ