Hướng đến truyền thanh thông minh
159/159 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, trở thành hệ thống thông tin chủ lực, giúp người dân nắm bắt thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống KT-XH địa phương. Đặc biệt, truyền thanh cơ sở đã khẳng định vai trò trong những thời điểm “nóng” như tuyên truyền phòng chống dịch bệnh (đặc biệt là dịch Covid-19, sốt xuất huyết…); thiên tai, bão lũ... Tuy nhiên, hầu hết các đài truyền thanh cơ sở vẫn sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng và trang thiết bị sản xuất chương trình lạc hậu, không đồng bộ, nhân lực thiếu và yếu.
Hệ thống truyền thanh cơ sở đang trở nên “đuối sức” trước sự phát triển như vũ bão của CNTT và mạng internet hiện nay.
- Trong ảnh: Đài truyền thanh xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Ảnh: HỒNG HÀ
Để phát huy tối đa tác dụng của truyền thanh cơ sở, phù hợp với phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và mạng internet hiện nay, việc hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT hay truyền thanh thông minh đang là lựa chọn tối ưu.
Cuối tháng 7.2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3083 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ thực hiện thí điểm đầu tư mới hoặc nâng cấp 3 đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT, từng bước chuyển đổi đài truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (FM, không dây) đã hư hỏng, xuống cấp không còn hoạt động sang truyền thanh ứng dụng CNTT. Đồng thời, xây dựng phần mềm quản lý hoạt động thông tin cơ sở, từng bước đổi mới mô hình vận hành, quản lý theo hướng quản lý liên thông đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Đài truyền thanh CNTT sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet để truyền dẫn, phát sóng, giúp quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa. So với truyền thanh có dây và không dây FM, giải pháp này nhiều ưu điểm hơn như không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, lưu trữ, quản lý chương trình (duyệt chương trình từ xa, chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương hoặc sang các ứng dụng Cổng thông tin điện tử, cơ quan báo chí, quản lý lịch phát sóng tự động); sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu sản xuất chương trình (chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số).
Hiện, 28 tỉnh, thành phố đã xây dựng 72 đài truyền thanh ứng dụng CNTT. Tại Bình Định, Sở TT&TT triển khai thí điểm chuyển đổi số tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Trong 4 mục tiêu của kế hoạch chuyển đổi số có việc sử dụng truyền thanh thông minh, sử dụng hệ thống truyền thanh cũ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát bản tin, tuyên truyền.
Thí điểm ứng dụng công nghệ truyền thanh thông minh kỹ thuật số giúp mở ra hướng đi mới cho đài truyền thanh cơ sở vừa hiệu quả, tiết kiệm chi phí, vừa phù hợp xu thế phát triển công nghệ 4.0 hiện nay.
KHÁNH LINH