Chí Tài: Đời danh hài trọn nét hồn nhiên
Đồng nghiệp nói khuôn mặt Chí Tài nhìn kiểu gì cũng buồn cười - nét duyên khiến anh được yêu quý từ vai bình dân đến nhân vật chiều sâu.
Chiều 9.12, tin Chí Tài bất ngờ qua đời vì đột quỵ gây sốc với đông đảo đồng nghiệp và khán giả. Hay tin dữ, diễn viên Cát Tường sững sờ: "Mới hôm kia, chúng tôi còn chụp hình, anh em còn trò chuyện, vui vẻ chọc ghẹo nhau kia mà".
Danh hài Chí Tài (1958 - 2020). Ảnh: Chí Tài Offical.
Chí Tài luôn nằm trong top những danh hài được yêu mến nhất, dù anh chủ yếu đóng tiểu phẩm, không góp mặt nhiều trong các phim truyền hình và điện ảnh quy mô. Anh bắt đầu theo nghệ thuật từ giữa thập niên 1980 khi quyết tâm học đàn và chơi nhạc - bất chấp sự phản đối của gia đình. Dần dà, ban nhạc của anh - Chi Tai's Brothers - gây chú ý, được một số trung tâm ca nhạc hải ngoại mời cộng tác. Tưởng chừng yên vị với vai trò nhạc công, anh gặp Hoài Linh, cuộc đời rẽ sang hướng mới.
Trước khi Hoài Linh ngỏ lời mời cộng tác, Chí Tài vốn được Vân Sơn chú ý. Nét duyên nhẹ nhàng, khuôn mặt "nhìn kiểu gì cũng buồn cười" - theo miêu tả của nhiều đồng nghiệp lúc đó, anh được khuyên nên theo nghề tấu hài. Anh ngần ngại, phần vì chưa tự tin với diễn xuất, phần vì tiếc công sức theo đuổi nghề làm nhạc bấy lâu. Hoài Linh đã khiến Chí Tài thay đổi suy nghĩ. Giữa thập niên 1990, Hoài Linh nổi lên như một hiện tượng của làng hài hải ngoại, được nhiều nghệ sĩ ngưỡng mộ, trong đó có Chí Tài. Anh nhận lời diễn cặp với Hoài Linh vì nể phục tài năng của đồng nghiệp nhỏ hơn anh 11 tuổi.
Sự kết hợp giữa Hoài Linh và Chí Tài thành công ngoài mong đợi, trở thành bước tiến của cả hai trong sự nghiệp. Giai đoạn cuối thập niên 1990 - đầu 2000, những cuộn băng tuyển tập tiểu phẩm hài của đôi nghệ sĩ gây sốt, được nhiều khán giả săn lùng. Bên cạnh Hoài Linh, Chí Tài được phát huy triệt để tiềm năng diễn xuất nhờ sự ăn ý, hợp rơ. Trong các tiết mục, cả hai thường vào vai cặp nhân vật có tính cách đối ngược nhau: người vợ chung thủy bên gã chồng bội bạc, người cha nghiêm khắc và đứa con ăn chơi lêu lổng... Dáng đi hơi còng lưng và vẻ mặt tếu táo, nhiều lúc vừa bước ra sân khấu, Chí Tài khiến khán giả cười ồ.
Chí Tài có lối diễn mộc mạc, nhiều lúc gây cười bằng điệu bộ vụng về, chân chất, kèm lời thoại nhẹ nhàng, tếu táo nhưng thấm thía. Các nhân vật của anh tạo nên tiếng cười trào lộng, phê phán mặt trái của con người trong xã hội hiện đại. Năm 2005, trong tiểu phẩm Ru lại câu hò (Hoài Linh viết kịch bản), Chí Tài ghi dấu với vai người chồng bỏ vợ theo cô nhân tình, khi túng quẫn lại trở về xin tha thứ. Hay ở Con sáo sang sông, vai của anh là người cha ép con trai lấy vợ vì nợ nần.
Nếu mảng sân khấu giúp tên tuổi Chí Tài được khán giả yêu quý, điện ảnh là nơi anh thể hiện rõ tài diễn xuất. Năm 2015, anh góp mặt trong phim điện ảnh Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn) với vai Tư Phi - người đàn ông làm lại cuộc đời sau khi ra tù. Ở phân cảnh ông Tư bất ngờ trúng số rồi bị kẻ xấu hãm hại, nét diễn thất thần của Chí Tài gợi sự thương cảm cho nhân vật, góp phần mang lại giải Phim điện ảnh hay nhất cho tác phẩm ở Cánh điều vàng 2016. Một năm sau, Chí Tài tái hợp Hoài Linh trong phim điện ảnh Dạ cổ hoài lang - chuyển thể từ tác phẩm sân khấu nổi tiếng. Trong vai Năm Triều, anh lấy nước mắt khán giả qua những phân cảnh đôi bạn già lạc lõng trên đất Mỹ, sống nương tựa vào nhau bằng dòng hồi ức lấp lánh về quê hương.
30 năm trong nghề, nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ của Chí Tài là điều đọng lại ở đồng nghiệp. Đạo diễn Đức Thịnh - từng làm việc với danh hài ở nhiều livewshow - cho biết vì hiền lành, Chí Tài thường là tâm điểm để các đồng nghiệp chọc ghẹo. Anh bị trêu từ tật ngủ ngáy đến tính "xài tiền kỹ lưỡng". Mỗi lần như thế, danh hài chỉ cười khì vì hiểu đồng nghiệp mến anh ở tính thật thà, chân thành. Anh không ngại học hỏi dù diễn hàng trăm tiểu phẩm. Mỗi khi xong vai, vừa vào hậu trường, anh hỏi ngay đạo diễn: "Sao, thấy anh đóng được không?". Đức Thịnh nói: "Điều đáng quý nhất ở anh là lúc nào cũng sung sức như một diễn viên mới vào nghề".
Trong cuộc sống, Chí Tài luôn giữ phong cách giản dị, bình dân. Hồi tháng 4, khi về nước, anh được đưa đi cách ly tập trung vì dịch. Hai tuần trong ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, căn phòng nơi Chí Tài ở luôn vang lên tiếng đàn hát. Những người cùng phòng - đa số là du học sinh - ấn tượng với cách anh luôn sôi nổi trong mọi tình huống. Danh hài dậy từ 5h sáng để hít đất, đi bộ hoặc leo cầu thang, rủ hai người bạn tập thể thao mỗi ngày. Sẵn khiếu hài, anh thường chọc ghẹo các thành viên trong phòng. Mỗi bữa ăn của anh có khi dài cả giờ vì khán giả đến xin chụp hình là anh liền buông chén đũa, hào hứng tạo dáng cùng. Một bạn trẻ ở cùng khu cách ly với Chí Tài nói "chưa từng thấy danh hài nào bình dân đến thế".
Chí Tài từng nói, nếu có điều làm anh buồn, là việc phải thường xuyên sống xa vợ - ca sĩ Phương Loan. Kết hôn được 33 năm, họ sống xa nhau đến 15 năm vì chị ở Mỹ còn anh thường xuyên về nước biểu diễn. Mỗi năm, chị thăm chồng một lần, còn Chí Tài cũng tranh thủ nhận các show ở Mỹ để ở bên vợ. Làm nghệ thuật, tiếp xúc với nhiều người đẹp, danh hài luôn tự nhủ giữ mình trước những cám dỗ. Năm 2019, khi làm liveshow trong nước, Chí Tài ôn lại chuyện tình như một cách tôn vinh người vợ thầm lặng góp phần không nhỏ vào hào quang của anh.
Những năm cuối đời, thi thoảng, Chí Tài tiếc nuối vì không có con để nối nghiệp. Vài lần ngồi cà phê, khi bạn bè hỏi dự định tuổi về già, anh chạnh lòng, dù quyết định không có con là chọn lựa của hai vợ chồng. Ngày trước, vợ chồng anh chưa muốn sinh con vì lo không đủ điều kiện vật chất, không muốn con cái sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn. Khi theo nghề diễn, mải mê với sự nghiệp, đến lúc anh dừng lại nghỉ ngơi thì đã già, lỡ duyên với đường con cái. Chí Tài từng vẽ nên bức tranh hai vợ chồng an hưởng tuổi già bên nhau, cùng du lịch, ôm đàn và sáng tác nhạc. Trước khi mất, anh vẫn đau đáu về một CD hát tặng khán giả. Trong đó, anh sẽ tự đàn hát những ca khúc anh viết riêng cho vợ mình.
Theo Mai Nhật (VnExpress)