Niềm vui cho bệnh nhân đái tháo đường
Một nghiên cứu đã điều chế thành công nguyên liệu tinh bột lúa mì acetat đề kháng với enzyme amylase và chế biến thành bánh ngọt, làm nguồn thực phẩm chức năng phục vụ hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
Người bệnh đái tháo đường tuýp 2 tham gia thử nghiệm đánh giá khả năng cải thiện glucose máu sau khi ăn bánh chứa TBAC. Ảnh: Nhóm nghiên cứu cung cấp
Đó là kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh vừa được nghiệm thu: “Nghiên cứu điều chế tinh bột lúa mì acetat để hỗ trợ điều trị bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Bình Định”, do bác sĩ CKII Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế và PGS.TS Trần Hữu Dũng - Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) đồng chủ nhiệm.
“Khó khăn nhất của bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 là kiểm soát chế độ ăn uống. Ngay cả khi người bệnh được tư vấn duy trì chế độ ăn uống giảm 1/3 tinh bột, họ vẫn không hình dung được là phải giảm như thế nào. TBAC có thể giúp bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm từ thức ăn hằng ngày và hỗ trợ điều trị bệnh”.
TS VÕ BẢO DŨNG, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh
Tinh bột sau khi ăn sẽ được chuyển hóa thành đường glucose trong máu. Nhiều bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 quan niệm sai lầm rằng tinh bột khiến đường huyết tăng cao nên loại hẳn thực phẩm này khỏi chế độ ăn hằng ngày. Theo phác đồ dinh dưỡng của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tinh bột chiếm từ 55 - 60% tỷ lệ thức ăn của người đái tháo đường tuýp 2. Tinh bột, đặc biệt là tinh bột đề kháng là nguồn dinh dưỡng quan trọng để tạo năng lượng đối với người bệnh này.
Hiện, trên thị trường có bán một số thực phẩm chức năng chứa tinh bột đề kháng dưới dạng sản phẩm bánh, bột ngũ cốc... mang nhãn hiệu công ty nước ngoài. Tuy nhiên, chưa có sản phẩm nào “made by Vietnam”.
PGS.TS Trần Hữu Dũng cho biết: “Mục tiêu nghiên cứu là điều chế nguyên liệu tinh bột lúa mì acetat (TBAC) có khả năng ức chế enzyme amylase, làm hạ đường glucose trong máu. Amylase là loại enzyme thủy phân tinh bột khi đi qua hệ tiêu hóa để chuyển hóa tinh bột trong thức ăn thành đường glucose. Từ nguyên liệu TBAC, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu chế biến thành bánh ngọt dùng cho người bệnh đái tháo đường tuýp 2”.
Thực hiện trong 2 năm, nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm trên chuột về độc tính của TBAC, sự cải thiện chỉ số glucose và insulin, và một cuộc thí nghiệm lâm sàng tại BVĐK tỉnh đối với 115 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, nhằm đánh giá khả năng cải thiện glucose máu sau khi ăn bánh có chứa TBAC. Không những kiểm soát glucose máu sau ăn, tinh bột lúa mì acetat còn có thể đảm bảo cung cấp một nguồn năng lượng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày cho bệnh nhân.
Sản phẩm tinh bột lúa mì acetat và bánh ngọt được chế biến từ tinh bột acetat. Ảnh: Nhóm nghiên cứu cung cấp
Bệnh nhân Lê Thị Hội (57 tuổi, TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Từ khi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tôi không dám ăn đồ ngọt, vì vậy lúc sử dụng sản phẩm bánh từ nghiên cứu cũng ngần ngại. Nhưng sau khi ăn thời gian, sức khỏe của tôi vẫn bình thường, nỗi lo ăn nhiều tinh bột làm nặng thêm bệnh cũng dần mất”.
Theo số liệu của nhóm nghiên cứu, trong tổng số 21.556 trường hợp được khám và sàng lọc bệnh từ năm 2012 - 2019, có 1.500 người được chẩn đoán mắc đái tháo đường (trung bình 8%/năm); 3.536 trường hợp tiền đái tháo đường (17%). Ðồng thời, lượng bệnh nhân và tần suất mắc bệnh tăng hằng năm rất lớn, từ 5 - 12%/năm.
Theo ông Lê Quang Hùng, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tham gia thử nghiệm có chỉ số glucose máu ổn định trong suốt 2 giờ sau khi ăn bánh (dù không dùng thuốc hạ glucose máu), nhờ đó tránh hiện tượng tăng hoặc giảm nhiều glucose máu, giúp giảm cảm giác đói của người bệnh. “Chúng tôi không ghi nhận bất cứ tác dụng phụ, hay tình trạng rối loạn tiêu hóa nào trên tất cả bệnh nhân tham gia thử nghiệm”, ông Hùng nói.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN đánh giá đây là đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao. TBAC có thể dùng chế biến nhiều loại thực phẩm khác nhau như bánh quy, bánh mì, bột ngũ cốc, mì tôm, miến, phở... giúp đa dạng nguồn thực phẩm của người bệnh đái tháo đường tuýp 2. Đây cũng là loại thực phẩm phù hợp cho người tiền đái tháo đường. Sở KH&CN đang đề xuất nhóm tác giả đề tài tiếp tục xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm TBAC tại Bình Định để có thể phát triển nguồn nguyên liệu TBAC và các loại thực phẩm chứa TBAC trên quy mô sản xuất công nghiệp, sớm đưa sản phẩm ra thị trường, góp phần hỗ trợ điều trị bệnh béo phì và đái tháo đường tuýp 2.
HỒNG HÀ