Kết quả khai quật phế tích tháp Châu Thành:
Thêm phát hiện giá trị về văn hóa - lịch sử Champa tại Bình Định
(BĐ) - Chiều 10.12, tại Sở VH&TT diễn ra buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học (ảnh) phế tích tháp Châu Thành (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn), do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành trong gần 2 tháng qua.
Cuộc khai quật trên tổng diện tích hơn 164 m2, bao gồm 3 hố khai quật, làm xuất lộ 4 lớp kiến trúc của 4 thời đại khác nhau (3 lớp dưới thuộc văn hóa Chămpa). Trong đó, lớp kiến trúc ở mặt bằng đầu tiên là hoàn chỉnh với mặt bằng hình chữ nhật có cửa quay về hướng Đông, cho thấy dạng kiến trúc đền thờ ảnh hưởng Ấn Độ giáo. Cuộc khai quật cũng tìm thấy đá thiêng (cao 1,7 m, rộng 1,25 m) trong hố thờ, thể hiện tín ngưỡng thờ đá của cư dân cổ Champa được kế thừa khi Ấn Độ giáo gia nhập đời sống tinh thần của cư dân vùng đất. Trong số rất nhiều di vật, có các loại ngói âm dương, đầu ngói ống, hoa văn in ô vuông kiểu Hán, hồi văn, phản ánh sự giao lưu văn hóa Champa với văn hóa Trung Hoa. Qua đó, cho thấy đây là vùng đất mở, hội nhập các yếu tố văn hóa của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên sự đặc sắc đa dạng của văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định trong lịch sử.
Theo TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), chủ trì đợt khai quật, trước đây, khi đề cập đến lịch sử Champa trên vùng đất Bình Định thường gắn liền với giai đoạn khi Vijaya là kinh đô của vương quốc Champa (998 - 471). Tại phế tích tháp Châu Thành phát hiện được di tích, di vật có niên đại sớm, trước khi Vijaya là kinh đô của vương quốc Champa. Điều này góp phần cho thấy lịch sử của Champa trên vùng đất Bình Định có mặt sớm... Tuy nhiên, những nhận định ban đầu này cần tiếp tục nghiên cứu, khai quật thêm ở phế tích tháp Châu Thành để làm rõ hơn.
Tin, ảnh: HOÀI THU