Phát huy giá trị của hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư:
Gắn kết cộng đồng, ứng xử nghĩa tình
Những năm gần đây, việc có thêm nhiều hương ước, quy ước ở các địa phương trong tỉnh giúp cộng đồng dân cư phát huy vai trò tự quản; giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. Ðồng thời, hạn chế và từng bước loại bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.
Đến nay, có 15/15 xã, thị trấn ở huyện Tây Sơn đã xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước (HƯQƯ) với tổng số 76 bản HƯQƯ ở 76 thôn, làng, khối phố được phê duyệt và đưa vào sử dụng. Ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng VH&TT huyện Tây Sơn, cho biết: HƯQƯ xây dựng trên cơ sở sự thống nhất của cộng đồng dân cư. Khi triển khai, người dân dần có ý thức và trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện các nội dung đã đồng thuận, góp phần hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu trong đời sống xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp và hình thành các giá trị văn hóa mới, đặc biệt là trong ma chay, cưới hỏi, dân số, môi trường, ANTT...
Nhờ thực hiện HƯQƯ, nếp sống văn hóa của đồng bào dân tộc Bana ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) có nhiều đổi thay tích cực.
Xã Bình Tân là một xã miền núi của huyện Tây Sơn với 2.030 hộ/7.630 nhân khẩu sinh sống ở 6 thôn. Hơn một năm thực hiện HƯQƯ, ý thức xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương được nâng lên rõ rệt. Đầu năm 2019 đến nay, nhân dân ở xã Bình Tân đã hiến 540 m2 đất để xây dựng đường bê tông, kênh mương nội đồng.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, đến nay, toàn huyện có 59 khu phố, thôn, làng với 59 bản HƯQƯ được xây dựng, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và trình cấp thẩm quyền công nhận. Việc thực hiện HƯQƯ bước đầu đem lại một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, xây cất mồ mả, tổ chức lễ hội ở địa phương…
Ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, dẫn chứng: “Trước kia ở địa phương, nhà nào có người thân qua đời thì đến 49 ngày, 100 ngày hoặc giỗ đầu đều phải làm cỗ trả hiếu linh đình, nhưng nay lễ trả hiếu đã tổ chức gọn trong phạm vi gia đình, dòng họ. Việc tổ chức đám cưới ở làng trước kia kéo dài cả tuần, nay giảm còn 2 hoặc 1 ngày; gia đình khi có đám tang đều không để quá 48 giờ…”.
TX Hoài Nhơn là địa phương triển khai công tác xây dựng và thực hiện HƯQƯ khá nghiêm túc, hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng VH&TT TX Hoài Nhơn, dẫn chứng: 2 - 3 năm trước, tiếng ồn từ loa kẹo kéo hát karaoke tại các khu dân cư, ca nhạc đường phố gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Đến nay, tình trạng này đã giảm nhiều. Người dân thống nhất đưa nội dung “cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào” vào HƯQƯ của khu phố, đã thống nhất với nhau rồi thì cứ theo HƯQƯ mà làm, hơn nữa hàng xóm cũng có cơ sở để nhắc nhau cùng tự giác thực hiện. Nhờ HƯQƯ mà tình làng nghĩa xóm được vun đắp, người dân ứng xử với nhau thêm nghĩa tình hơn.
Theo Sở VH&TT, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 HƯQƯ được công nhận. Không chỉ có vậy, nhiều địa phương còn sửa đổi, bổ sung cập nhật nội dung HƯQƯ phù hợp với thực tế. Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, đánh giá: HƯQƯ giữ vai trò quan trọng trong hoạt động tự quản cộng đồng khu dân cư. Nó không chỉ góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, mà còn vừa động viên vừa tham gia điều chỉnh để cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh và xây dựng đời sống văn hóa.
Để HƯQƯ lan tỏa hơn nữa trong đời sống cộng đồng, Sở VH&TT đang rà soát, đánh giá tính thực tiễn HƯQƯ ở từng địa phương. HƯQƯ nào dài, người dân khó nhớ thì rà soát, tinh gọn; HƯQƯ “lỗi thời” so với hoàn cảnh, điều kiện hiện nay thì sửa đổi, bổ sung cho phù hợp… “Việc xây dựng HƯQƯ phải thể hiện đặc thù riêng, phù hợp với điều kiện ở từng khu dân cư và nhận sự ủng hộ của đông đảo người dân, mới phát huy tối đa giá trị của cộng đồng và thực thi pháp luật”, bà Thảo nhấn mạnh.
Bài, ảnh: AN NHIÊN