Gốm Bình Nghi
Bộ sưu tập Gốm Bình Nghi mà Bảo tàng tỉnh Bình Định đã sưu tầm được gồm 30 hiện vật là sản phẩm của các lò nung gốm trên địa bàn xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, có niên đại khoảng từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Các hiện vật bao gồm hũ nhỏ, hũ vừa, hũ lớn, bình tỳ bà, cốc, bình, nồi đất… Đặc biệt là có cả 2 loại hình bình vôi: Tráng men (nhóm sản phẩm cao cấp) và không tráng men (nhóm sản phẩm bình dân).
Loại hình sản phẩm khá phổ biến của gốm Bình Nghi là những chiếc hũ nhỏ không tráng men. Hũ loại này thường có xương gốm thô và có màu đen; trong xương gốm có nhiều tạp chất do khâu chọn và xử lý đất nguyên liệu làm gốm không kỹ. Dòng sản phẩm này có chất lượng nung không đồng đều, có những hũ được nung cứng như sành, nhưng cũng có không ít hũ chỉ được nung ở nhiệt độ thấp. Ngoài ra tại đây cũng phát hiện được một số loại hình gốm khác như: Hũ vừa, hũ lớn, bình tỳ bà, cốc, bình cao, nồi đất… tất cả đều không tráng men và xương gốm tương đối thô.
Những chiếc bình vôi thuộc bộ sưu tập Gốm Bình Nghi của Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Bình vôi tráng men một loại có dáng cao; thân phình tròn; cổ bình cao, hình trụ, đỉnh bình tạo nắp giả hình nấm. Một loại lại có dáng thấp, thân phình tròn; thân bình nối liền chân bình tạo lõm, có dáng gần giống như hình trống đồng; chân choãi ra; phía trên không tạo nắp giả mà tạo quai bình. Các bình vôi đều có thân rỗng, trên vai bình khoét lỗ tròn để bỏ vôi vào và lấy vôi ra khi cần sử dụng. Các bình vôi này không trang trí hoa văn, nhưng tráng men nâu khá đẹp, men có độ bóng nhưng khá mỏng.
Bình vôi không tráng men về cơ bản cũng phân làm hai loại nhý bình vôi tráng men, chỉ khác là các bình vôi loại này thường có xương gốm thô, do nguyên liệu đất không được làm kỹ hoặc do kỹ thuật nung không tốt, gốm không được phủ men trước khi nung.
Việc sưu tầm được các sản phẩm gốm này đã góp thêm cứ liệu quan trọng minh chứng sự tồn tại của các khu lò gốm cổ có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX trên vùng đất Bình Nghi, Tây Sơn.
Bài, ảnh: NGUYỄN VIẾT TUẤN