Miếu Thần Nông ở Hoài Ðức
Dọc tuyến đường bờ đê sông Lại Giang đoạn qua khu phố Bình Chương Nam, phường Hoài Đức (TX Hoài Nhơn) có một ngôi miếu nhỏ, người dân địa phương gọi là miếu Thần Nông. Đây là một trong những ngôi miếu thờ Thần Nông hiếm còn lại đến nay ở tỉnh ta. Thờ Thần Nông là tín ngưỡng lâu đời của cư dân trồng lúa nước, với ước nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; đồng thời đây thường cũng là nơi nghỉ ngơi tránh nắng của nông dân.
Cụ Nguyễn Phu bên ngôi miếu Thần Nông ở phường Hoài Đức, TX Hoài Nhơn.
Miếu Thần Nông ở phường Hoài Đức được xây dựng chính xác vào thời gian nào, ngay cả các cụ cao niên ở địa phương cũng không rõ và ít thống nhất (riêng theo tài liệu của UBND phường Hoài Đức, miếu được xây dựng vào năm 1929). Cụ Nguyễn Phu, 87 tuổi, ở khu phố Bình Chương Nam, kể: Khi còn nhỏ tôi đã thấy ngôi miếu này ở bên cạnh bờ sông rồi. Vị trí hiện tại là lần xê dịch thứ 3. Dân làng phải di chuyển miếu vào bên trong do bờ sông Lại Giang bị sạt lở, uy hiếp ngôi miếu. Giai đoạn từ năm 1936 đến 1954, bên cạnh miếu là bờ xe nước. Ngày đó chưa có trạm bơm như bây giờ, việc lấy nước để tưới cho ruộng vườn nhờ vào bờ xe nước và nhờ nước trời mưa. Nói cách khác là phụ thuộc vào tự nhiên rất nhiều. Vì vậy việc nông dân thành kính phụng thờ nơi miếu Thần Nông cũng dễ hiểu. Bấy giờ, khuôn viên ngôi miếu ước hơn 200 m², được xây cao, hai bên miếu có 2 cây vông đồng, thân to hơn mặt cái nong. Mỗi năm người dân trong vùng có 2 lần cúng lớn, “cúng mừng nước” vào tháng 2 âm lịch và “cúng cầu bông” vào tháng 8 âm lịch. Định kỳ 3 năm 1 lần, làng sẽ mời đoàn tuồng về hát tại miếu để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Một số người cao tuổi ở địa phương góp chuyện: Ngoài ra, nhiều sinh hoạt làng xã khác cũng được diễn ra tại miếu này. Thật ra, việc thờ Thần Nông không chỉ hướng đến cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cùng với nghi thức thờ cúng, đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người nông dân khi ấy cũng rất thuận tự nhiên, tôn trọng và giữ gìn thiên nhiên. Thần Nông là thần bao quát cả lĩnh vực nông nghiệp và liên quan chứ không chỉ ruộng lúa, nghề nông.
Hiện nay, do sự phát triển và tiến bộ của KHKT, sản xuất nông nghiệp ở địa phương ngày càng thuận lợi, con người ngày càng chủ động trong sản xuất, do đó tín ngưỡng thờ Thần Nông cũng như việc chăm chút cho ngôi miếu cũng dần phai nhạt; người dân chỉ còn duy trì cúng tại miếu vào dịp tiết thanh minh hằng năm. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử văn hóa, ngôi miếu này xứng đáng được tu bổ, giữ gìn để lưu lại đến mai sau như một chỉ dấu văn hóa tốt đẹp của tổ tiên.
ÁNH NGUYỆT