Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo từng năm
(BĐ) - Sáng 11.12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.
Tại điểm cầu Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì. Ngoài ra, còn có các đồng chí: Đoàn Văn Phi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh.
Quang cảnh điểm cầu tại Bình Định.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu. Các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm giảm mạnh. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%; ước đến cuối năm 2020 còn khoảng 2,75%. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm - đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Tại Bình Định, tỷ lệ giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 1,83%/năm; huyện nghèo giảm 6,5%/năm - đạt so với Nghị quyết Chính phủ và HĐND tỉnh. Thu nhập bình quân năm 2020 của hộ nghèo là 13,5 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đạt và vượt Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (5 - 6 xã). Tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng về y tế, giáo dục, điện, nước, hỗ trợ nhà ở, dạy nghề, việc làm… Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này là hơn 7.486 tỷ đồng, trong đó 78.931 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền 3.270 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của ban chỉ đạo các cấp cùng sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế. Khẳng định những kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam là điểm sáng trên thế giới, tuy nhiên, vẫn còn khiêm tốn so với những thách thức trước mắt, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và địa phương thời gian tới cần tích cực nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để tiếp tục đẩy mạnh thực mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030 và tầm nhìn 2045 vì một Việt Nam không có đói nghèo. Tiếp tục hoàn thiện các hình thức hỗ trợ người nghèo, xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội trong bối cảnh mới. Đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH các vùng khó khăn. Truyền thông để nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; đồng thời biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời những nhân tố tích cực…
NGỌC TÚ