Phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở học sinh
(BĐ) - Phần lớn các bệnh không lây nhiễm là hậu quả của các yếu tố, hành vi nguy cơ sức khỏe được hình thành từ rất sớm trong độ tuổi học sinh, trẻ em. Phổ biến là dinh dưỡng không lành mạnh như uống nhiều nước ngọt, ăn thừa muối, thức ăn nhanh; thiếu vận động, thừa cân, béo phì… Trẻ em từ 13 - 17 tuổi uống rượu bia ít nhất 1 lần trong 30 ngày chiếm đến 22,37%; hút thuốc lá 2,76%. Vì vậy, các chương trình can thiệp để phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ sức khỏe ở học sinh là rất quan trọng và cần thiết.
Đó là những thông tin được các chuyên gia y tế khuyến cáo tại Tập huấn phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng hợp lý ở trẻ em, học sinh cho cán bộ ngành Y tế, GD&ĐT của 18 tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây nguyên, khai mạc sáng 11.12 tại TP Quy Nhơn. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Sức khỏe Việt Nam năm 2020, do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) tổ chức từ ngày 11 - 12.12.
Lớp tập huấn cung cấp kiến thức về thực trạng bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ ở trẻ em, học sinh; tăng cường vận động thể lực phòng chống bệnh không lây nhiễm tại trường học; hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025”; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia, dinh dưỡng hợp lý; hướng dẫn đánh giá tình trạng dinh dưỡng và nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn cho học sinh tại trường học.
THU HIỀN