Hội thảo khoa học về thực trạng vấn đề lao động - việc làm
(BĐ) - Ngày 11.12, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học về đề tài: Đánh giá thực trạng vấn đề lao động - việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2019 và đề xuất giải pháp phát triển lao động - việc làm giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hoạt động có sự tham gia của một số sở, ngành, đơn vị đào tạo, DN.
Lãnh đạo Trường CĐ Bình Định góp ý một số vấn đề với nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu sâu về hệ thống khái niệm lao động, việc làm; mối quan quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh và cơ cấu lao động, bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước, từ đó rút ra kinh nghiệm về vấn đề lao động - việc làm cho tỉnh Bình Định. Nghiên cứu đã khảo sát 500 người lao động đang làm việc tại các DN, 300 DN đang hoạt động, 7 đơn vị đào tạo trên địa bàn.
Qua đó, chỉ ra những thành tựu về lao động - việc làm vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế đã tác động trực tiếp đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Lao động chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang khu vực thương mại, dịch vụ. Tỷ trọng lao động ở khu vực kinh tế tư nhân cũng rất cao. Về thực trạng đào tạo người lao động trên địa bàn, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh các ưu điểm về trang thiết bị, cơ sở vật chất, loại hình đào tạo, đội ngũ giảng viên. Bình Định cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, hạn chế là nội dung, chương trình giảng dạy, phương pháp đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của đơn vị, DN; công tác tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT còn chưa hiệu quả…
Tại hội thảo, đại diện một số sở, ngành, DN, cơ sở đào tạo đã góp nhiều ý kiến, làm rõ thực trạng vấn đề lao động - việc làm từ nhiều góc độ. Đồng thời, đề xuất nhóm nghiên cứu đề tài cập nhật thêm các số liệu, dữ liệu liên quan; phân tích sâu hơn nữa các số liệu để giúp cơ sở đào tạo biết được những kỹ năng mà sinh viên mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của DN để các trường tập trung đào tạo; bổ sung nội dung xuất khẩu lao động vào đề tài, bởi đây là một nội dung quan trọng trong công tác giảm nghèo, phản ánh nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước và nhu cầu của lao động trong nước; xem xét lại các số liệu về thất nghiệp; các yếu tố tác động đến sự hài lòng của DN đối với người lao động và ngược lại…
Tin, ảnh: NGUYỄN MUỘI