Những thứ con người tạo ra đã nặng hơn toàn bộ sinh vật sống toàn cầu
Theo công bố mới của các nhà khoa học ngày 9.12, lần đầu tiên trong lịch sử, các loại vật chất do con người tạo ra đã nặng hơn toàn bộ sinh vật sống trên Trái Đất.
Một gốc thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature, khối lượng của đường sá, các tòa nhà cùng những vật chất xây dựng hoặc sản xuất khác trên Trái Đất đã tăng gấp đôi sau mỗi 20 năm. Các tác giả của nghiên cứu trên cho biết trọng lượng hiện nay của chúng là 1.100 tỉ tấn.
Trong bối cảnh nhân loại tiếp tục khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên, trọng lượng của sinh khối – bao gồm thực vật và động vật - đã giảm một nửa kể từ cuộc cách mạng nông nghiệp, chỉ còn 1.000 tỉ tấn ở thời điểm hiện nay.
Căn cứ theo những thay đổi về sinh khối toàn cầu và khối lượng vật chất nhân tạo kể từ năm 1990, nghiên cứu cho thấy khối lượng của các vật thể do con người tạo ra chỉ bằng 3% trọng lượng của sinh khối vào đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, kể từ khi hoạt động sản xuất thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ trên toàn cầu, sản xuất đã tăng mạnh đến mức tính trung bình, trọng lượng của các sản phẩm do con người tạo ra hàng tuần hiện nay nặng hơn trọng lượng của toàn bộ con người trên Trái Đất.
Năm 2020 đã đánh dấu thời khắc mà khối lượng vật chất nhân tạo vượt quá sinh khối tự nhiên.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Ron Milo làm việc tại Ban Khoa học Thực vật và Môi trường tại Viện Khoa học Weizmann của Israel chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng rằng một khi chúng ta thấy rõ những số liệu gây sốc trên, chúng ta sẽ hành động như một loài sinh vật có trách nhiệm”.
Dựa trên một loạt dữ liệu công nghiệp và sinh thái, nghiên cứu ước tính tổng sản lượng của con người chiếm khoảng 30 tỉ tấn hàng năm. Với tốc độ phát triển hiện tại, vật chất nhân tạo có thể nặng tới 3.000 tỉ tấn vào năm 2040.
Trong khi đó, tổng sinh khối lại giảm đi, chủ yếu do hoạt động phá rừng và thay đổi mục đích sử dụng đất để mở rộng hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Các tòa nhà và công trình đường sá chiếm phần lớn khối lượng vật chất nhân tạo. Một số xu hướng xây dựng trong đó có chuyển đổi từ gạch nung sang bê tông vào giữa thập niên 1950 đã góp phần vào sự leo thang trên.
Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức